Chuỗi giá trị nông sản chiều lòng khách hàng khó tính

GD&TĐ - Nhật Bản là quốc gia có nền khoa học công nghệ nông nghiệp phát triển với nhiều sáng chế, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến đã và đang được áp dụng thành công mang lại giá trị lớn cho sản xuất, hoàn toàn có thể là bài học kinh nghiệm tốt cho Việt Nam. 

Chuỗi giá trị nông sản chiều lòng khách hàng khó tính

Đó cũng là mục tiêu đặt ra của Hội thảo “Ứng dụng công nghệ mới phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt Nam – Nhật Bản”, do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Công ty Raycean Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 29/5.

Đòi hỏi tất yếu của thị trường

“Việt Nam đang chuyển nền sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng và trong quá trình tái cấu trúc đó, yếu tố khoa học công nghệ, công nghệ tiên tiến là yếu tố then chốt giúp chúng ta chuyển đổi nhanh chóng. Ứng dụng công nghệ không chỉ dừng lại ở trong công đoạn sản xuất mà cần tiếp cận công nghệ cho toàn bộ chuỗi sản xuất, từ gieo trồng, thu hoạch, chế biến đến lưu trữ và vận chuyển cung ứng sản phẩm” - ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết.

Cùng với việc phát triển công nghệ trong nước, Việt Nam cũng từng bước hợp tác với các đối tác của nước ngoài để tiếp nhận, đánh giá cũng như lựa chọn công nghệ, để tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng phù hợp với năng lực, trình độ của Việt Nam. Nhật Bản, Hàn Quốc… là những nước có công nghệ trồng trọt tương đối gần gũi với Việt Nam. Một lợi thế là không chỉ gần gũi về sản xuất, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua tăng khá cao, trong đó có nông sản, nhất là mặt hàng rau quả.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hiện Nhật Bản đang là thị trường đứng thứ 2 sau Trung Quốc nhập khẩu rau quả từ nước ta. Nhưng thị trường Nhật Bản cũng vô cùng “khó tính”. Muốn xuất khẩu hàng hóa sang nước bạn, đòi hỏi công nghệ cũng phải tương đối tương thích để tạo ra sản phẩm đáp ứng chất lượng hàng hóa và được thị trường Nhật Bản thừa nhận.

Thách thức là rất lớn, nhưng sự thuận lợi cũng không kém, bởi ai cũng biết Nhật Bản là quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển hàng đầu thế giới, hầu hết mọi phát minh đều có tính ứng dụng cao vào kinh doanh sản xuất. Nhật Bản cũng sẵn sàng chia sẻ các công nghệ của mình với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Đây là cơ hội lớn để các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước kết nối, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy cơ hội đầu tư và thương mại nông sản giữa hai nước.

Không chỉ là câu chuyện công nghệ

Theo ông Koichiro Abe, Tổng Giám đốc điều hành Raycean, chính vì đòi hỏi cao của người tiêu dùng (cùng với những quy định khắt khe của các nhà quản lý thị trường ở Nhật Bản), các mặt hàng hóa tiêu dùng, trong đó có nông sản được lưu thông trên thị trường Nhật Bản đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn mà chỉ có công nghệ cao mới đạt được.

Bù lại, cũng vì những đòi hỏi này mà các mặt hàng được lưu thông đều có chất lượng và giá trị cao, thậm chí là cao hơn hẳn so với mặt bằng giá tiêu dùng ở phần lớn các quốc gia phát triển. Điều này được ông Koichiro Abe lý giải đó là sự phối hợp giữa công nghệ, bí quyết và tất nhiên là chiến lược marketing hợp lý, từ đó có thể nâng cao giá trị nông sản gấp nhiều lần.

Câu chuyện về chiến lược marketing cũng như bí quyết kinh doanh là điều khó chia sẻ, nhưng vấn đề công nghệ lại khác hẳn. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, việc tiếp nhận các công nghệ như: Giống, chế phẩm sinh học, chất cải tạo đất, thuốc bảo vệ sinh học… cũng như kiểm soát chất lượng của Nhật Bản giúp Việt Nam tiến gần hơn với hệ thống chất lượng của nước bạn, góp phần thúc đẩy tiến trình xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam sang Nhật Bản cũng như các nước Nhật Bản đang có quan hệ về bạn hàng, nhất là các quốc gia phát triển, đồng thời cũng là những thị trường khó tính như Mỹ và Tây Âu.

Tại Hội thảo, những công nghệ tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp từ Nhật Bản được các doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu như: Chế phẩm sinh học, thủy canh trong thủy sản; phân bón hữu cơ, giống cây trồng, vật liệu kiểm soát nhiệt độ, thuốc trừ sâu hữu cơ… trong trồng trọt và công nghệ khí sinh học trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, các diễn giả còn giới thiệu bộ tiêu chuẩn hữu cơ JAS cho nông sản tại thị trường Nhật Bản, được cho là sẽ rất phù hợp nếu được ứng dụng tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ