Sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị tỉnh và toàn xã hội đã đẩy mạnh phát triển các mô hình “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học”…
Đổi mới cơ cấu tổ chức
Bộ máy tổ chức của Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc được kiện toàn từ cấp tỉnh đến cơ sở, gồm Hội Khuyến học tỉnh; 9 Hội Khuyến học cấp huyện, thành phố; 136 Hội Khuyến học cấp xã; hơn 1.800 chi hội khuyến học; hơn 2.200 ban khuyến học, với tổng số hơn 286.000 hội viên, chiếm khoảng 25% dân số toàn tỉnh.
Nhận xét về công tác xây dựng Hội Khuyến học của Vĩnh Phúc trong thời gian qua, ông Trần Dũng Long – Phó Chủ tịch thường trực, chia sẻ: Trước đây, công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT) của Vĩnh Phúc ở các địa phương rất sôi nổi. Sau đó bị lỡ nhịp vì trước Hội Khuyến học được xếp vào hội đặc thù giờ là hội quần chúng. Sau khi sắp xếp, từ 2017, phụ cấp cán bộ chuyên trách phụ trách công tác khuyến học từ cấp xã đến cấp tỉnh đã không còn nữa.
Nhiều địa phương giữ được phong trào rất tốt, nhưng cũng có nơi phong trào đi vào chìm lắng. Từ 2019 đến nửa đầu 2020 có dấu hiệu tê liệt. Từ năm 2020, lãnh đạo hội đã tham mưu cho tỉnh phục hồi công tác khuyến học. Tỉnh đang có những chỉ đạo phục hồi rất tốt, có thể nói là tiêu biểu của các nước.
Sự đổi mới của Vĩnh Phúc là lần đầu tiên Chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học. Giám đốc Sở GD&ĐT là Phó Chủ tịch kiêm nhiệm, 2 cán bộ nghỉ hưu làm Phó Chủ tịch chuyên trách hội.
Tại cấp huyện, thành phố, tỉnh đang chỉ đạo chính quyền phải tham gia vào công tác hội, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch huyện, thành phố tham gia kiêm nhiệm làm Chủ tịch hội ở địa phương, Trưởng phòng GD&ĐT làm Phó Chủ tịch hội. Vĩnh Phúc đang tổ chức đại hội khuyến học cấp xã, chưa có cấp huyện, cấp tỉnh. Sau khi tổ chức xong, bộ máy khuyến học của Vĩnh Phúc sẽ thống nhất trong toàn tỉnh.
“Vĩnh Phúc đã cấp chi phí hỗ trợ cho hoạt động của Hội Khuyến học cấp xã và huyện. Cấp xã được cấp 16 triệu đồng/năm và cấp huyện được 52 triệu đồng/năm. Tuy chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác hội hiện chưa có nhưng các thành viên vẫn kiên trì làm vì tình yêu và trách nhiệm với công việc.
Vừa qua đã có Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác KHKT, xây dựng XHHT giai đoạn 2021 – 2030. Tới đây, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có chỉ đạo, cụ thể hóa Chỉ thị này. Địa phương sẽ làm và cấp kinh phí để thực hiện công việc nhằm nâng cao chất lượng công tác Hội Khuyến học”, ông Trần Dũng Long cho biết thêm.
Quỹ Khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Số dư Quỹ Khuyến học tỉnh từ 0 đồng (năm 2019) lên hơn 53 tỷ đồng (tháng 12/2020). Nguồn quỹ này được gửi vào ngân hàng, hàng năm sẽ rút phần lãi suất dùng để tặng học bổng, trao thưởng cho học sinh, giáo viên, người lao động có thành tích xuất sắc trong học tập, giảng dạy, lao động, sản xuất.
Cùng với xây dựng quỹ, các cấp Hội Khuyến học phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể, nhất là cấp xã, thôn, tổ dân phố triển khai thực hiện Đề án 281 về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.
Đến nay, phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Khu dân cư khuyến học” đã trở thành phong trào sâu rộng, lan tỏa đến mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư.
Dòng họ khuyến học tiêu biểu
Ban KHKT dòng họ Dương tại Vĩnh Phúc ra đời khi Hội đồng dòng họ (HĐDH) Dương tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập vào năm 2014. Đến nay, họ Dương ở Vĩnh Phúc thành lập được 7 Ban KHKT cấp huyện và 43 Ban KHKT cấp xã. Ban KHKT các cấp luôn chú trọng công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào “Gia đình hiếu học”; khen thưởng, động viên kịp thời cho các em có thành tích cao trong học tập; thực hiện nêu gương và nhân rộng các điển hình KHKT trong dòng tộc...
Trong quy ước của dòng họ cũng quy định rõ trách nhiệm của mỗi gia đình, cá nhân phải luôn nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập; các gia đình phải quan tâm chăm lo cho con cháu mình từ việc học tập đến giáo dục đạo đức; bảo đảm 100% các cháu đến tuổi đi học được đến trường; mỗi gia đình ưu tiên nguồn lực cho con cháu có điều kiện học tập đầy đủ; chăm lo hướng nghiệp cho con cháu trong dòng họ…
Chủ tịch HĐDH Dương tại Vĩnh Phúc Dương Việt Hồng cho biết: “Ban KHKT của họ Dương tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động theo quy định chung của dòng họ Dương Việt Nam. Các hoạt động khen thưởng, vinh danh HSSV là con em trong họ có thành tích học tập tốt được phân cấp rõ ràng.
Hằng năm, HĐDH Dương cấp tỉnh sẽ thống kê, lập danh sách đề nghị Ban KHKT dòng họ Dương Việt Nam khen thưởng cho các cháu đỗ đại học, các cháu sinh viên có thành tích cao trong học tập, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc với mức khen từ 1 - 5 triệu đồng/người.
Ban KHKT dòng họ Dương cấp tỉnh khen thưởng cho các cháu học sinh cấp THPT có thành tích cao trong học tập; cấp huyện, xã thực hiện khen thưởng cho các cháu bậc tiểu học và THCS…”.
Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, dòng họ Dương ở Vĩnh Phúc có 80 cháu đỗ đại học, 25 cháu là sinh viên có thành tích cao trong học tập, rèn luyện và tốt nghiệp loại giỏi trở lên được Quỹ KHKT dòng họ Dương Việt Nam khen thưởng, với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.
Ngoài ra, Quỹ KHKT các cấp dòng họ Dương tỉnh Vĩnh Phúc khen thưởng cho 800 - 900 lượt học sinh các cấp có thành tích cao trong học tập, với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng/năm. Các hoạt động biểu dương, tôn vinh khen thưởng cho học sinh, sinh viên đạt thành tích cao hằng năm được tổ chức trang trọng, góp phần khích lệ, động viên con em dòng họ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, giành nhiều thành tích cao trong học tập.
Để xây dựng nguồn quỹ phục vụ cho công tác KHKT, Ban KHKT dòng họ Dương các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động đóng góp từ các gia đình trong dòng họ, các cá nhân thành đạt, doanh nghiệp do con cháu họ Dương làm chủ.
Chỉ riêng CLB Doanh nghiệp, doanh nhân họ Dương Vĩnh Phúc đã ủng hộ cho công tác KHKT của dòng họ từ 300 - 350 triệu đồng/năm. Không chỉ phục vụ cho công tác KHKT, các Ban KHKT họ Dương còn trích quỹ để ủng hộ các hoạt động KHKT tại các địa phương.
Với tinh thần “Không để con em trong dòng họ phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn”, Ban KHKT dòng họ Dương Vĩnh Phúc luôn chú trọng làm tốt công tác rà soát, lập danh sách đề nghị Quỹ Dương Huy Đỉnh (do dòng họ Dương Việt Nam thành lập) hỗ trợ kịp thời cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Riêng năm học 2020 - 2021, trên địa bàn tỉnh có 85 HSSV là con em họ Dương được Quỹ Dương Huy Đỉnh hỗ trợ chi phí học tập, với tổng số tiền hơn 240 triệu đồng.
Thời điểm này, chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022, Ban KHKT của dòng họ đang thống kê các trường hợp là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo để trao tặng hỗ trợ của dòng họ với kinh phí là 6 triệu đồng/học sinh/năm. Qua đó, hỗ trợ các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.
Bên cạnh đó, HĐDH Dương Vĩnh Phúc đã thành lập được CLB Thanh niên họ Dương Vĩnh Phúc nhằm tạo cầu nối với con em dòng họ trong độ tuổi đoàn viên, thanh niên; hướng dẫn thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp làm hồ sơ để được hưởng vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp của dòng họ, triển khai kịp thời các hoạt động hỗ trợ cho HSSV gặp khó khăn đột xuất... Trong năm 2020, CLB Thanh niên họ Dương Vĩnh Phúc đã huy động 70 triệu đồng để hỗ trợ đột xuất cho 2 học sinh là con em trong họ có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ thúc đẩy phong trào học tập trong dòng họ, các hoạt động của họ Dương đã góp phần đẩy mạnh phong trào KHKT trên địa bàn tỉnh từ cơ sở. Với những kết quả đạt được, năm 2020, dòng họ Dương ở Vĩnh Phúc đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác KHKT và nhiều giấy khen của Hội Khuyến học tỉnh qua các năm.