Xây trường chuẩn quốc gia:

Chuẩn mà lệch…

GD&TĐ - Theo quy định, để được công nhận đạt chuẩn quốc gia, cơ sở giáo dục phải đảm bảo các tiêu chí về cơ sở vật chất, số học sinh/lớp... Tuy nhiên, có tình trạng “nợ” chuẩn. Điều này dẫn đến việc, đoàn kiểm tra đến thì nhà trường “sơ tán” học sinh; khi đoàn kiểm tra về thì học sinh lớp nào lại về lớp đó.

Một lớp học của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai). Ảnh minh họa: TG
Một lớp học của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai). Ảnh minh họa: TG

Bi hài “sơ tán” học sinh

Cuối tháng 6/2022, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh con em mình bị nhà trường chuyển sang học nơi khác để trường đủ điều kiện đón chuẩn quốc gia. Thông báo từ nhà trường nêu rõ: Căn cứ vào thông tư của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia với trường tiểu học, căn cứ vào kế hoạch của UBND quận Hoàng Mai về việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025…

Để giảm số học sinh vào trường tiểu học, số lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, được sự chỉ đạo của UBND phường Hoàng Liệt, UBND quận Hoàng Mai về việc phân tuyến học sinh năm học 2022 - 2023, nhà trường xin thông báo toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 khu vực HH3 (HH3A – tổ 28, HH3B – tổ 29, HH3C – tổ 30) được phân tuyến sang Trường Tiểu học Chu Văn An, phường Hoàng Liệt.

Sự việc này khiến nhiều phụ huynh bức xúc, bởi trường chuẩn quốc gia phải có lộ trình, kế hoạch rõ ràng chứ không phải nói xây dựng xong rồi “đẩy” học sinh đi. Cách ứng xử của nhà trường như vậy chưa ổn, không có sự thống nhất với phụ huynh.

Sự việc tương tự như ở Trường Tiểu học Hoàng Liệt không phải là không có. Thực tế, nhiều địa phương, trường học đã áp dụng giải pháp đối phó bằng cách tạm thời “sơ tán” học sinh mỗi khi có đoàn kiểm tra của cấp trên. Con anh Trần Hoàn, quận Hoàng Mai (Hà Nội) từng là một trong những thành viên phải “sơ tán” sang phòng học khác. Cùng “sơ tán” với con anh còn có 6 - 7 bạn khác trong lớp và nhiều bạn ở lớp học khác.

“Tôi gọi điện cho cô chủ nhiệm phản ánh về việc này và bày tỏ không đồng tình cách làm đối phó của nhà trường. Cách làm này ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ. Nguy hiểm hơn, có thể gây ra những hệ lụy không đáng có như: Xung đột giữa phụ huynh với giáo viên, nhà trường…” – anh Hoàn nhấn mạnh và cho biết, kể từ đó đến nay, con anh không thuộc diện “sơ tán” nữa.

Trường chuẩn phải thực chất, không phải nửa vời, đối phó. Ảnh minh họa: TG

Trường chuẩn phải thực chất, không phải nửa vời, đối phó. Ảnh minh họa: TG

Vô tình dạy học sinh nói dối

Nhớ lại cách làm của trường mình khi có đoàn kiểm tra, đánh giá để công nhận trường chuẩn, cô N.T.T.V - giáo viên vùng trung du miền núi phía Bắc - cho hay: Để đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, trước khi được kiểm tra để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, nhà trường đã có những “thủ thuật”. Theo đó, để có các phòng chức năng, trường đã “chuyển thể” gian nhà công vụ của giáo viên trở thành phòng hoạt động Đội, phòng hỗ trợ học sinh khuyết tật học hòa nhập... Khi đoàn kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ, giáo viên ở phòng nào trở lại phòng đó như chưa hề có bất kỳ cuộc “sơ tán”.

Thực tế cho thấy, cách làm trên được nhiều trường áp dụng, nhất là với một số trường còn “nợ” tiêu chí cơ sở vật chất. “Tuy nhiên, bản thân không tán thành cách làm trên, bởi ít nhiều ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của giáo viên và học sinh. Điều dễ dàng nhìn thấy nhất là nếp sinh hoạt, đồ đạc cá nhân bị thay đổi, xáo trộn. Giáo viên phải mất công, mất việc sắp xếp, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng dạy – học của thầy – trò. Nguy hiểm hơn là, vô hình trung chúng ta dạy học sinh cách nói dối” - cô N.T.T.V nêu quan điểm.

Bà Phan Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam - viện dẫn: Theo Thông tư 59/2012/TT-BGDĐT, để đạt chuẩn quốc gia, các trường trung học phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn về: Tổ chức và quản lý; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường và gia đình, xã hội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu là do cơ sở vật chất nên nhiều trường còn “nợ chuẩn”.

Nhìn nhận cách làm của nhiều trường, TS Nguyễn Tùng Lâm – nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) - cho rằng, cách làm đối phó của một số trường dẫn đến thiếu công bằng trong giáo dục. Nguy hại hơn, các trường đã vô tình dạy học sinh không trung thực.

“Cũng cần nhấn mạnh, đoàn kiểm tra cần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, tránh qua loa, đại khái theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Ngoài việc nhìn nhận bằng cảm quan, cần kiểm tra sổ sách và các chi tiết liên quan đến tiêu chí, tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia. Có như vậy mới đảm bảo điều kiện cần và đủ để trường học đạt chuẩn thực sự, chứ không phải chuẩn theo kiểu nửa vời – chuẩn mà không chuẩn” - TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm, đồng thời khuyến cáo: Việc kiểm tra hậu kiểm cũng quan trọng không kém. Việc này nhằm chặn tình trạng trường “tháo khoán” sau khi được công nhận đạt chuẩn.

Theo anh Trần Hoàn, để đạt chuẩn phải có nền tảng và xuất phát từ “gốc” với những giải pháp tổng thể, căn cơ chứ không thể “nửa vời” đối phó bằng cách “di tản” học sinh. Giải pháp bắt đầu từ các cấp chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường. Trong quy hoạch, cần dành quỹ đất cho trường học với tầm nhìn trung hạn, dài hạn để đáp ứng việc gia tăng dân số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.