Chúng tôi hỏi thăm tới phường Liễu Giai (Ba Đình, HN) về những trường hợp tảo hôn. Ông Nguyễn Văn Muôn – Tổ trưởng tổ dân phố cụm dân cư số 5 liền kể ngay trường hợp tảo hôn gần đây, Ông kể:
Bố xe ôm, mẹ bán rau nuôi con trai, con dâu đánh game
"Trong phường, có gia đình anh chị N.T.D và N.V.T lấy nhau năm 17 tuổi, làm con chưa tròn lại phải làm mẹ; ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, lại phải nuôi con và lo cho con; cái tuổi cần phải được đến trường để hoàn thiện bản thân mình nâng cao trí tuệ và rèn luyện tư duy nhận thức và đang rất cần trang bị cho mình một kỹ năng sống lại phải bỏ học giữa chừng để “dạy người khác”.
Chị D có con đầu lòng năm 18 tuổi. Hai vợ chồng ở trong căn nhà rộng chừng 15m2 với 1 tầng và 1 gác xép nằm trong hẻm sâu phố Đội Cấn (Hà Nội). Chúng tôi cùng bác tổ trưởng qua chơi, ban ngày nhưng hai vợ chồng trẻ đều ở nhà, mỗi người một điện thoại chơi game, đứa con nhỏ đang nằm chơi bên cạnh bố mẹ.
Thấy có khách đến, chị D đứng dậy, nhặt vội mớ quần áo bừa bãi dưới nền nhà. Anh T nhanh ý dọn dép đống bát đũa ăn từ tối hôm trước nhưng chưa rửa…
Biết được mục đích chúng tôi đến, chị D có phần ngượng ngùng nói: “Bước vào năm lớp 10, chúng em yêu nhau, sau một thời gian, học hành giảm sút hẳn đi vì thường xuyên bỏ bê bài vở, chỉ thích đi chơi. Gia đình thấy vậy, có khuyên nhủ nhiều lần nhưng chúng em vẫn đâu vào đấy. Chính vì thế, gia đình không cản trở khi chúng em xin phép tổ chức đám cưới…”.
Lấy nhau, vợ chồng trẻ sống chung với bố mẹ chồng, nhưng do còn trẻ con, chưa có ý thức xây dựng, chăm sóc gia đình, lại thường xuyên ham chơi nên bố mẹ nhắc nhở, động viên nhiều lần, hai vợ chồng vẫn không khỏi làm cả nhà buồn lòng.
Chị D còn trẻ, không biết làm việc gì. Hai vợ chồng quen thói nghiện game từ ngày đi học. Ngày nào anh chị cũng ăn xong lại chơi điện tử, chơi chán, hết tiền lại về. Nhiều lần, chính chị D đã "ngửa tay" xin bố mẹ chồng tiền để đi chơi. Gia đình anh T cũng chẳng khá giả gì, tuy bố mẹ đã 60 tuổi nhưng vẫn ngày ngày đi xe ôm, bán hàng rau kiếm sống nên ông bà không khỏi buồn lòng.
Có nhiều lần, bố mẹ nhắc nhở con dâu, nhưng hai vợ chồng coi đó là sự "soi xét" của chuyện mẹ chồng - nàng dâu. Càng ở lâu ngày, càng có nhưng mâu thuẫn không tránh khỏi. Có lần, anh T còn định đánh lại bố mẹ khi ông bố nặng lời với hai con. Cả gia đình náo loạn khiến chính ông tổ trưởng tổ dân phố cùng hội phụ nữ sang can thiệp.
Nói mãi không sửa được, anh T vẫn ham chơi nhưng không làm ăn gì cũng chẳng có tiền. Hai vợ chồng bàn nhau "bán trộm" đồ đạc trong nhà. Không còn cách nào khác, thêm chán cảnh “hai đứa trẻ”, bố mẹ quyết định cho anh chị ở riêng, mong sao hai con có thể tự lập hơn, trưởng thành và chăm lo cho gia đình nhiều hơn.
Chồng khuyên bỏ thai để chơi cho thoải mái
Được ra ở riêng, ban đầu, anh chị mừng thầm vì nghĩ sẽ được sống tự do, thoải mái hơn. Nhưng cảnh vợ chồng son không vui được bao lâu thì chị D có thai, khả năng chăm sóc bản thân còn chưa có nhiều, giờ lại thêm kiến thức chăm sóc thai nhi. Chị D đã bao lần phải đi bệnh viện và có nguy cơ bị sảy thai cao.
Đang chơi quen, thấy vợ có thai trở lên yếu ớt, thường xuyên phải vào viện tốn kém, T khuyên vợ...bỏ thai để chơi cho thoải mái. Thấy chồng nói "có lý", D định làm theo, nhưng may có gia đình phát hiện kịp thời nên thai nhi được giữ lại.
Vẫn không khỏi lo lắng cho hai con, bố mẹ hai bên đành thay phiên nhau chăm sóc, cơm cháo cho hai vợ chồng trẻ đến ngày sinh nở. Nhưng tính ham chơi game thâu đếm suốt sáng khiến chị D sinh con thiếu tháng.
Những tưởng có con sẽ khiến anh chị thay đổi, chăm lo cho gia đình nhiều hơn. Nhưng đứa con đầu lòng vừa lọt tay được hai tuần, chị D mới bình phục trở lại đã cùng "đấu game" với chồng. Tuổi còn quá trẻ, ham chơi, nuôi mình còn chưa đủ đã phải nuôi con khiến anh chị không ít lần quay sang cãi vã lẫn nhau. Đặc biệt, khi đứa trẻ đói, quấy khóc, bố mẹ mải chơi không để ý khiến bao lần con phải nhập viện vì còi cọc, ốm đau.
Con em đã 15 tháng tuổi nhưng chỉ nặng 8,5 kg, người xanh xao, yếu ớt. Bây giờ em đã không chơi game nữa nhưng cũng không biết cách chăm sóc con như thế nào. Dù đã được cha mẹ hướng dẫn, chỉ bảo nhưng em vẫn hay quên, lại lúng túng, gượng gạo khi chăm trẻ khiến con phát triển chậm. Không biết sau này con lớn lên, chúng em sẽ nuôi dạy con thế nào?
Những đứa con thiệt thòi từ “trứng nước”
Nhìn thấy căn nhà bừa bộn, sữa bỉm lung tung, tôi vội hỏi sao anh chị không tìm việc làm thêm. Chị D ngượng ngùng: “Vợ chồng em còn ít tuổi, đã quen chơi rồi, giờ làm thêm việc gì cũng khó, lao động chân tay thì nặng nhọc, mà học hết lớp 10 thì biết xin việc gì.
Tiền mua sữa cho con đều phải nhờ cậy ông bà nội, ngoại. Vợ chồng em không biết bao lần khiến ông bà "phát ốm" . Chồng em còn ít tuổi, đáng ra vẫn trong tuổi ăn, tuổi chơi, để làm trụ cột cho vợ con là khó, nhiều khi thương con, em cũng hối hận vì việc lập gia đình sớm quá để con cái thiệt thòi.”
Không những thế, do không có kinh nghiệm tránh thai, chị D đã mang thai đứa con thứ hai. Con đầu còn chưa lo xong, lại lo con trong bụng. Hai vợ chồng chẳng có công ăn việc làm, ở nhà con khóc, con ốm, thiếu thốn đủ đường, lại sinh cãi nhau,…
Chị D nước mắt ngắn dài cho biết: Vợ chồng cãi nhau, con đau ốm, tiền không có, ...anh T chán nản đòi bỏ nhau. Lại một lần nữa, bố mẹ phải đứng ra khuyên giải. Vợ chồng em chẳng lo được cho mình, làm bố mẹ khổ sở mà giờ còn lo cho hai con. Em thương con quá. Giá như mình chịu khó học hành, có công việc ổn định và trưởng thành hơn thì con em đâu phải khổ.
Những câu chuyện của các bạn trẻ tảo hôn đã khổ nhưng cái khổ của những đứa trẻ thiệt thòi từ trong trứng nước còn đáng buồn hơn. Bởi, chúng chưa được sự quan tâm, sát sao, chăm sóc của các ông bố bà mẹ trẻ. Chậm phát triển sức khỏe là vậy, không biết sau này những người làm cha làm mẹ còn đang ham chơi có dạy con học hành lên người?
Trường hợp của chị D và anh T là một ví dụ sâu sắc, là bài học kinh nghiệm cho các bạn trẻ cần có những kiến thức, kỹ năng và hàng trang cần thiết trước khi bước vào hôn nhân đúng độ tuổi quy định để thực sự trưởng thành và nuôi dạy con cái.