(GD&TĐ) – Một tháng sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, một cơ quan giám sát vừa cho biết dường như không tìm thấy dấu vết phóng xạ “khói thuốc súng” nào từ vụ thử, điều này khiến cho nhiều câu hỏi quan trọng về vụ thử trên chưa có lời giải đáp.
Lãnh đạo Kim Jong-Un (giữa) tới thăm một đơn vị pháo ngày 11.3.2013 |
Việc thiếu chứng cứ khoa học như trên có thể khiến cho việc xác định vật liệu phân hạch nào đã được dùng trong vụ thử hạt nhân lần 3 của Triều Tiên mà các máy đo chấn động đã phát hiện ra.
Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO), có một mạng lưới toàn cầu gồm các trạm theo dõi được thiết kế để phát hiện những dấu vết phóng xạ phát ra từ các vụ thử, cho biết họ chưa tìm thấy dấu hiệu nào như vậy.
Phát ngôn viên Annika Thunborg của CTBTO không đưa ra thông tin chi tiết, tuy nhiên, việc không tìm thấy dấu vết của phóng xạ có thể cho thấy Triều Tiên đã cố gắng ngăn chặn nó phát ra từ vụ thử ngày 12.2 từ dưới lòng đất.
Hiệp ước cấm thử hạt nhân được thảo luận từ những năm 90 của thế kỷ trước, tuy nhiên chưa có hiệu lực vì những người có trong tay công nghệ hạt nhân, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, chưa thông qua nó. Tuy nhiên, tổ chức này đã giám sát những vi phạm có thể xảy ra bằng việc triển khai hơn 270 trạm trên toàn thế giới để theo dõi những dấu hiệu của các vụ thử nguyên tử, bao gồm các sóng dư chấn và dấu vết phóng xạ.
Có thể mất hàng tuần để tìm ra chất phóng xạ, tùy thuộc vào thời tiết.
“Chúng tôi tin rằng hệ thống hoạt động rất tốt” – bà Thunborg nói. Một quan chức cấp cao của CTBTO tháng trước cho biết “khói thuốc súng” của bất kỳ vụ thử hạt nhân nào cũng sẽ là sự phát hiện các dấu viết nuclide phóng xạ.
Một câu hỏi quan trọng là loại vật liệu có thể phân hạch được mà Triều Tiên đã sử dụng trong vụ thử mới nhất là gì.
Triều Tiên đã từ bỏ việc chế tạo plutonium năm 2007, sau khi chịu áp lực quốc tế, tuy nhiên sau đó thừa nhận rằng đã xây dựng cơ sở để tạo ra uranium làm giàu – thứ có thể được dùng để chế bom nếu được tinh chế tới mức độ cao.
Không có dấu vết, Mỹ và liên minh cho biết rất khó để xác minh liệu vụ thử gần đây nhất của Triều Tiên có plutonium hay lõi uranium từ bên ngoài.
Phương Hà (Theo Reuters)