Để tăng cơ hội học tập, làm việc trong nước và nước ngoài, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chú trọng vào công tác dạy ngoại ngữ cho sinh viên, nâng cao yêu cầu chuẩn đầu ra. Cùng với đó, ngay từ năm nhất đã phân loại năng lực trình độ ngoại ngữ của sinh viên để có hướng đào tạo.
Nhà trường chú trọng ngoại ngữ
Không chỉ chú trọng vào công tác đào tạo chuyên ngành mà Đại học Bách khoa Hà Nội đặc biệt quan tâm đến trang bị các kỹ năng cho người học trước khi tốt nghiệp trong đó có kỹ năng ngoại ngữ; nhằm đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra cũng như tăng cường cơ hội việc làm trong nước và nước ngoài.
Theo PGS.TS Phạm Thanh Huyền - Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội, ngày từ năm thứ nhất nhà trường đã kiểm tra phân loại năng lực ngoại ngữ của sinh viên để xếp lớp phù hợp với năng lực, trình độ của các em. Những sinh viên nào yếu, chúng tôi sẽ có phương án hỗ trợ, cố vấn phương pháp học.
Đồng thời, nhà trường khuyến khích các em tham gia câu lạc bộ ngoại ngữ của trường để được học hỏi anh chị khoá trên, có thêm môi trường giao tiếp rèn luyện kỹ năng nghe - nói nhằm cải thiện khả năng ngoại ngữ, đạt được chuẩn đầu ra theo yêu cầu của nhà trường.
Theo tìm hiểu của Báo Giáo dục và Thời đại, Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo khác nhau. Ví dụ: Chương trình đào tạo chuẩn sinh viên phải đạt 500 điểm TOEIC; chương trình tài năng 600 điểm TOEIC; chương trình tiên tiến IELST 5.5…
“Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến trên thế giới, do đó chúng tôi luôn chú trọng để các em có thể thành thạo 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết trước khi ra trường nhằm tăng cơ hội học tập cũng như làm việc được ở nhiều nước trên thế giới.
Một xu thế hiện nay nữa là sinh viên chú trọng đa ngoại ngữ để tạo nhiều cơ hội cho bản thân. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn lưu ý sinh viên các bạn cần phải có một ngoại ngữ tốt, thành thạo bốn kỹ năng để làm được ở một môi trường quốc tế, sau đó bạn bổ sung thêm ngoại ngữ khác cũng sẽ có thêm nhiều lợi thế hơn khi làm việc”, PGS.TS Phạm Thanh Huyền cho biết thêm.
Nhật Bản là một trong những quốc gia rất thích nguồn nhân lực của Việt Nam. Theo đó, nhiều tỉnh, công ty của Nhật Bản đã tài trợ các khoá học tiếng Nhật cho sinh viên Việt Nam. Vì vậy hằng năm, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như nhiều trường khác đã tổ chức nhiều khoá học miễn phí cho sinh viên.
Sau khi hoàn thành khoá học các em đạt trình độ N2, N3 có thể tham gia phỏng vấn và sang Nhật Bản làm việc. Các trường còn giảng dạy thêm văn hóa, cách ứng xử, kỹ năng mềm để sinh viên có thể hoà nhập vào môi trường làm việc quốc tế.
PGS.TS Phạm Thanh Huyền - Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội cùng hướng dẫn sinh viên nghiên cứu. Ảnh: NVCC |
Chủ động đến với ngoại ngữ
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngoại ngữ là một công cụ không thể thiếu trong quá trình học và mở ra cho sinh viên rất nhiều cơ hội về việc làm trên thị trường hiện nay.
Phạm Nguyễn Minh Tuấn, sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Đối với những học sinh theo học khối ngành khoa học như em, việc biết ngoại ngữ là một điều bắt buộc. Bởi, khoa học kỹ thuật liên tục đổi mới hàng ngày hàng giờ, những kiến thức mới nhất trong giới học thuật thường sẽ được công bố bằng tiếng Anh. Vậy nên, việc thành thạo tiếng Anh chuyên ngành có thể khiến kiến thức cùng hiểu biết của người học sâu sắc. Từ đó, sinh viên sẽ có giá trị hơn trong mắt nhà tuyển dụng”.
Không chỉ chú trọng vào học tiếng Anh để chuẩn đầu ra trước khi tốt nghiệp, Phan Thị Oanh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang học thêm tiếng Trung để mở rộng cơ hội việc làm sau này cho bản thân.
Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp không chỉ chú trọng vào chuyên môn mà còn đưa ra yêu cầu đối với ứng viên trong quá trình xét duyệt hồ sơ phỏng vấn về kỹ năng ngoại ngữ. Do đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp thành thạo một hoặc nhiều ngoại ngữ là ưu thế rất lớn trong quá trình tìm kiếm việc làm cũng như phát triển bản thân trong lĩnh vực mình đang theo đuổi.
Bà Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban Phát triển kinh doanh, Công ty cổ phần MISA cho biết: “Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp có rất nhiều quan hệ đối tác quốc tế. Theo đó, bạn có ngoại ngữ tốt sẽ góp phần “làm giàu” môi trường làm việc, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới.
Bên cạnh đó, bạn có thể mở rộng phạm vi tìm kiếm việc làm ra các nước ngoài khi bạn có kỹ năng nghe, nói, dịch thuật tốt. Đặc biệt, ngoại ngữ tốt là con đường ngắn nhất giúp bạn thích ứng nhanh với văn hóa, môi trường làm việc mới. Từ đó, bản thân có thể mở rộng mối quan hệ”.
“Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên giai đoạn 2018 - 2021 của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp luôn trên 90%. Ở nhiều ngành, tỷ lệ này lên tới 100% như kế toán, hệ thống thông tin quản lý, thương mại điện tử của Đại học Thương mại; thiết kế nội thất, kiến trúc cảnh quan, kỹ thuật cấp thoát nước, công nghệ thông tin của Đại học Kiến trúc TPHCM”.