Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Năm học đạt nhiều kết quả nổi bật

GD&TĐ - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Trịnh Xuân Trường khẳng định những kết quả nổi bật của ngành GD&ĐT Lào Cai.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu.

Ghi nhận kết quả nổi bật

Theo ông Trịnh Xuân Trường: năm học vừa qua diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có diễn biến hết sức phức tạp song, với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ GD&ĐT, cùng với sự chủ động, linh hoạt của địa phương nên ngành GD&ĐT Lào Cai đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 06; ban hành 20 cơ chế, chính sách liên quan đến GD&ĐT; đồng thời, ưu tiên nhiều nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục.

Ngành Giáo dục Lào Cai đã quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, phát triển quy mô giáo dục: sáp nhập điểm trường, xóa điểm trường lẻ trên nguyên tắc đảm bảo khoảng cách cho học sinh đi đến trường và trở về nhà theo quy định của Bộ GD&ĐT, đáp ứng tốt nhất các điều kiện học tập, môi trường giáo dục cho học sinh.

Đến nay Lào Cai đã sáp nhập 145 trường, giảm 76 trường; sáp nhập 232 điểm trường lẻ mầm non với tiểu học; xóa 92 điểm trường; đưa 19.380 học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính. Thực hiện quy hoạch đã tiết kiệm được 1.151 lớp, khoảng 1.800 giáo viên và cán bộ quản lý.

Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, cơ sở vật chất trường, lớp học được ưu tiên đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa; trường, lớp học sạch, đẹp, từng bước hiện đại từ vùng thấp, đến vùng cao, thôn, bản. Một số trường học được đầu tư xây dựng mới khang trang, hiện đại.

Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 74,5%, cơ bản đảm bảo học 2 buổi/ngày. Giai đoạn 2016-2020, Lào Cai đã đầu tư xây dựng đủ nhà công vụ giáo viên, nhà ở học sinh bán trú; nhà vệ sinh, nhà tắm cho học sinh, xóa xong phòng học tạm...

Đáng nói, chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc và rõ rệt từ vùng thấp, đến vùng cao. Trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục tăng (hiện có 390 trường chuẩn QG, đạt 64,7%); chủ động, tích cực triển CTGDPT mới.

Tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2021, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,26%, xếp thứ 24/63 tỉnh/thành phố, xếp thứ nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Thi học sinh giỏi quốc gia năm 2021, Lào Cai có 48 học sinh đạt giải; có 1 học sinh được lọt vào vòng dự tuyển tham gia dự thi Quốc tế.

Thi nghiên cứu KHKT cấp quốc gia, có 2/2 dự án tham gia đều đoạt giải, là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh Lào Cai giành được giải cao, trong đó 1 giải nhất được Bộ GD&ĐT chọn thi NCKH Quốc tế...

Về công tác phổ cập giáo dục được duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng ở 100% xã, phương, thị trấn; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 95,2%. Đẩy mạnh hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông...

Phát triển mạnh giáo dục dân tộc 100% các trường PTDT nội trú có cấp THPT; có 134 trường PTDT bán trú; công tác GDDT có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, nhất là công tác quản lý nội trú, bán trú đã đi vào nền nếp...

Giáo dục Lào Cai đạt nhiều kết quả nổi bật. Ảnh minh họa
Giáo dục Lào Cai đạt nhiều kết quả nổi bật. Ảnh minh họa

Nâng cao chất lượng PCGD mầm non 5 tuổi

Sau khi đạt chuẩn Phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Lào Cai là tỉnh thứ 7 trên toàn quốc đạt kết quả này, UBND tỉnh tiếp tục ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch để tập trung lãnh, chỉ đạo phát triển giáo dục mầm non, từ đó góp phần nâng cao chất lượng PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Tính đến tháng 8/2021, toàn tỉnh có 195 trường mầm non, huy động đến cơ sở giáo dục mầm non 60.049 trẻ; tỷ lệ huy động nhà trẻ đạt 29,6%, mẫu giáo đạt 98,5%. Tỉnh Lào Cai và 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ em 5 tuổi.

Đặc biệt, tỉnh đã tạo mọi điều kiện, nguồn lực để huy động 29,6% trẻ nhà trẻ, 98,5% trẻ mẫu giáo đến cơ sở giáo dục mầm non, đây là những điều kiện thuận lợi để đảm bảo duy trì bền vững và nâng cao chất lượng PCGD mầm non trẻ em 5 tuổi.

Chỉ đạo tuyển dụng, hợp đồng đối với số giáo viên thiếu, thay thế cho giáo viên nghỉ hưu, đảm bảo tỷ lệ 1,85 giáo viên/lớp; riêng giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt định mức 02 giáo viên/lớp.

Lào Cai cũng đã chỉ đạo lồng ghép các đề án, kế hoạch phát triển giáo dục, cơ sở vật chất trường, lớp học mầm non từng bước được cải thiện, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu của lớp mẫu giáo 5 tuổi đảm bảo thực hiện yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non và tiếp cận với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. 100% phòng học của lớp mẫu giáo 5 tuổi là phòng kiên cố và bán kiến cố.

Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng dinh dưỡng bữa ăn, phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp, củng cố tốt tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số; ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến… để chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1 tiểu học.

Học sinh Lào Cai đạt kết quả cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT và HSG quốc gia. Ảnh minh họa
Học sinh Lào Cai đạt kết quả cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT và HSG quốc gia. Ảnh minh họa

Tạo đà cho hành trình mới

Để tháo gỡ khó khăn, tạo thêm tiền đề cho giáo dục Lào Cai đạt được những kết quả quan trọng thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.

Trước hết, Lào Cai đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục, trong đó có phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mầm non 3-4 tuổi.

Bộ GD&ĐT sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách của Trung ương chưa được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung kịp thời để giải quyết các vấn lớn mà thực tiễn đang đặt ra...

Đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu cho chính phủ: Phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi giai đoạn 2021-2025; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20 và Thông tư số 07 về Phổ cập, trong đó bổ sung PCGD mẫu giáo, chia mức độ đạt chuẩn, hiện nay chỉ có một mức chưa tạo được động lực cho các tỉnh phấn đấu;

Tiếp tục tham mưu để phát triển giáo dục mầm non vùng đặc biệt khó khăn; đặc biệt có chính sách thôi hưởng hỗ trợ tiền ăn cho trẻ, học sinh theo lộ trình đối với các xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới.

Triển khai CT GDPT 2018 tại Lào Cai đã đạt kết quả đáng ghi nhận bước đầu.
Triển khai CT GDPT 2018 tại Lào Cai đã đạt kết quả đáng ghi nhận bước đầu.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đề nghị Bộ GD&ĐT ưu tiên kinh phí cho tỉnh Lào Cai để: Đầu tư xây dựng 1.026 phòng học, phòng học bộ môn, nhà ăn, bếp, phòng quản lý học sinh, các hạng mục phụ trợ...

Đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu cho Chính phủ có chương trình trái phiếu giai đoạn 2021-2025 dành riêng cho các tỉnh miền núi để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu từ lớp 1 đến lớp 12 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thực hiện CT GDPT mới, đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh miền núi, vùng cao nhiều khó khăn mau sắm thiết bị dạy học tối thiểu.

Bộ GD&ĐT nghiên cứu, rà soát ban hành mới danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non sửa đổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Về việc ban hành điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận PCGDMG.

Đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT sớm thẩm định, trình Chính phủ xem xét, bổ sung số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cho tỉnh Lào Cai theo kiến nghị tại Công văn số 881 của UBND tỉnh Lào Cai...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ