Trong cuộc họp, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề cập đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều nhưng không nhắc trực tiếp tới Mỹ cũng như chương trình hạt nhân của nước này. Nhiều chính trị gia cho rằng, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên nói tới “thế lực thù địch” chính là một nỗ lực nhằm gây áp lực lên Washington.
Các nỗ lực ngoại giao về phi hạt nhân hóa đã bị phá vỡ, kể từ khi Chủ tịch Kim và Tổng thống Donald Trump không đạt được thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ở Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua.
Bình Nhưỡng cho biết đã yêu cầu Mỹ ngừng đưa ra các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân chính tại Yongbyon. Tuy nhiên, Washington tuyên bố sẽ chỉ bỏ lệnh trừng phạt nếu Triều Tiên dỡ bỏ tất cả các chương trình hạt nhân và vũ khí.
Trước đó, tại cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên hôm 9/4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng cho biết, tình hình đang trở nên “căng thẳng”; đồng thời nhấn mạnh tới sự tự lực, tự cường và một nền kinh tế độc lập chính là niềm hy vọng tốt nhất trong việc chống lại các biện pháp trừng phạt từ quốc tế, buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Bất chấp lời cảnh báo của ông Kim rằng Triều Tiên có thể sẽ đi theo “con đường mới” nếu Washington tiếp tục các biện pháp trừng phạt, các quan chức Hàn Quốc bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ tiếp tục tập trung vào nền kinh tế của một đất nước “hoàn toàn” hạt nhân.