Chủ tịch nước cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Liên Hợp Quốc đối với Việt Nam suốt 40 năm qua, trong quá trình tái thiết sau chiến tranh, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, góp phần giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu kinh tế-xã hội và thực hiện thành công nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs).
Năm 2017 đánh dấu mốc 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (1977-2017), cũng là năm bắt đầu triển khai Kế hoạch chiến lược chung Việt Nam-Liên Hợp Quốc giai đoạn 2017-2021. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng, đây là dịp tốt để hai bên cùng nhìn lại chặng đường hợp tác đã qua và đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Trước bối cảnh các thách thức toàn cầu cả về an ninh và phát triển ngày càng gia tăng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, vai trò của các diễn đàn đa phương, nhất là Liên Hợp Quốc, ngày càng quan trọng. Việt Nam mong muốn Liên Hợp Quốc tiếp tục phát huy vai trò của mình trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, hỗ trợ các nước, trong đó có Việt Nam, triển khai thành công Chương trình Nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, là một trong những nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Liên Hợp Quốc trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện thành công Thỏa thuận Paris, đặc biệt trong các lĩnh vực nâng cao năng lực, phát triển và chuyển giao công nghệ, tiếp cận các nguồn tài chính nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tiến tới một nền kinh tế carbon thấp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và của Liên Hợp Quốc. Việt Nam sẽ tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, phát huy vai trò thành viên tại các cơ quan Liên Hợp Quốc như Hội đồng Kinh tế-xã hội (ECOSOC), Ủy ban Luật pháp Quốc tế... ủng hộ các nỗ lực nhằm cải tổ Liên Hợp Quốc, trong đó có sáng kiến “Một Liên Hợp Quốc” và luôn chủ động, tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của Liên Hợp Quốc nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển bền vững.
Việt Nam mong muốn Liên Hợp Quốc tiếp tục chung tay giải quyết các thách thức này, qua đó góp phần củng cố môi trường hòa bình, an ninh, thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam và trong khu vực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan Liên Hợp Quốc; tin tưởng với bề dày kinh nghiệm, ngài Kamal Malhotra sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc lên tầm cao mới.
Về phần mình, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam Kamal Malhotra nhấn mạnh, Việt Nam có vị trí rất đặc biệt đối với Liên Hợp Quốc. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong triển khai sáng kiến “Một Liên Hợp Quốc”, có đóng góp mạnh mẽ vào sự thành công của sáng kiến này.
Ngài Kamal Malhotra hoan nghênh sự tham gia, đóng góp chủ động, tích cực và hiệu quả của Việt Nam vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc, trong đó có việc tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình, đóng góp vào các vấn đề phát triển, cũng như đảm nhận vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm của các cơ chế quan trọng của Liên Hợp Quốc.
Ngài Kamal Malhotra cho biết, Liên Hợp Quốc đang trông đợi Chính phủ Việt Nam sớm phê chuẩn và ký kết Kế hoạch chiến lược chung Việt Nam-Liên Hợp Quốc giai đoạn 2017-2021. Đây là văn kiện quan trọng cho giai đoạn 5 năm tới, là kế hoạch tổng thể của khoảng 20 cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và ở ngoài Việt Nam.
Một lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch là việc Liên Hợp Quốc tập trung hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, trên bình diện toàn cầu, Liên Hợp Quốc đã xác định 10 quốc gia ưu tiên có Kế hoạch hành động về chuẩn bị và ứng phó với hiện tượng E1 Nino, trong đó có Việt Nam.
Ngài Kamal Malhotra khẳng định Liên Hợp Quốc có kế hoạch ưu tiên hỗ trợ Việt Nam tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.