Chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Năm học 2019 - 2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để đưa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào giảng dạy ở lớp 1 cấp tiểu học. Bên cạnh hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các địa phương tăng cường nguồn lực nhằm bảo đảm điều kiện học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học. Ảnh: Hữu Cường
Các địa phương tăng cường nguồn lực nhằm bảo đảm điều kiện học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học. Ảnh: Hữu Cường

Tăng cường dạy học 2 buổi/ngày

Một trong những nỗ lực quan trọng của ngành GD Ninh Bình là tăng tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, đến nay đạt 99,25%. Tỉnh có 82 trường tiểu học tiếp tục duy trì Mô hình Trường học mới (VNEN); các trường còn lại áp dụng một số thành tố tích cực trong tổ chức dạy và học; 100% học sinh từ lớp 3 - lớp 5 học tiếng Anh theo chương trình mới từ 2 - 4 tiết/tuần.

Ông Vũ Văn Kiểm - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: Chuẩn bị cho lộ trình đưa Chương trình (CT), sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGKGDPT) mới vào giảng dạy từ năm học 2020 - 2021, ngành GD Ninh Bình đặt mục tiêu nâng tỷ lệ phòng học kiên cố lên 88%.

Trong năm học 2019 - 2020, Ninh Bình tiếp tục rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông, thực hiện việc sáp nhập các cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô nhỏ tại các địa phương. Mở rộng quy mô lớp học, điểm trường nhằm khắc phục tình trạng quá tải học sinh/lớp gắn với việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, tuy nhiên, công tác chuẩn bị triển khai CT, SGK mới cũng được thực hiện khẩn trương.

Sở GD&ĐT Bắc Kạn đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát cụ thể số trường lớp, học sinh tính đến năm 2020 để xây dựng kế hoạch phát triển GD-ĐT sát với thực tế địa phương. Thực hiện rà soát, sắp xếp điều chỉnh các điểm trường, quy mô lớp học cho phù hợp, bảo đảm bố trí đủ sĩ số HS/lớp theo các cấp học, bậc học. Thực hiện xóa các điểm trường nằm gần trường chính mà điều kiện đi lại thuận lợi cho HS.

Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho biết: Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 123/123 trường có lớp tiểu học tổ chức dạy học cả ngày, cụ thể: Dạy học 7 - 8 buổi/tuần có 6.404/27.892 học sinh (22,96%); dạy học 9 - 10 buổi/tuần có 21.488/27.892 học sinh (77,04%). Không có trường học tổ chức dạy học dưới 7 buổi/tuần. Cả tỉnh có 12 trường dạy học theo VNEN. 100% các trường tiểu học nhân rộng các nội dung thực hiện VNEN như trang trí lớp học, tổ chức sinh hoạt chuyên môn, tổ chức quản lý lớp học…

Để sẵn sàng cho triển khai CT, SGK mới, Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh ưu tiên kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước và tài trợ, viện trợ… để đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở GD, đặc biệt là những địa bàn khó khăn.

Đội ngũ GV - điều kiện then chốt

Chuẩn bị về đội ngũ giáo viên là công việc hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của chương trình mới. Vì thế vấn đề bồi dưỡng đội ngũ được các địa phương rất quan tâm.

Theo ông Vũ Văn Kiểm, để gấp rút  triển khai Chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT Ninh Bình không ngừng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học. Tăng cường các điều kiện dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên bổ sung các trang thiết bị thiết yếu đáp ứng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh theo chuẩn đầu ra ngay trong quá trình và theo kết quả từng giai đoạn giáo dục. Tăng cường rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia bảo đảm khách quan, chính xác.

Theo ông Vũ Văn Kiểm, Ninh Bình có thuận lợi là đội ngũ CBQL, giáo viên cơ bản đủ về số lượng; chất lượng ngày càng được nâng lên. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh; Tổ chức có hiệu quả các lớp bồi dưỡng, các chuyên đề bộ môn bảo đảm chất lượng góp phần nâng cao năng lực giáo viên. Các bước chuẩn bị của sở đáp ứng CT, SGKGDPT mới bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể: Sở đã tích cực triển khai tổng rà soát đội ngũ CBQL, giáo viên thực hiện CT, SGKGDPT mới; Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên theo lộ trình bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT. Sở đã chỉ đạo tổ chức hàng trăm đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên đề bộ môn cho CBQL, chuyên viên, giáo viên các cấp học.

Xác định GV là yếu tố quyết định đến chất lượng GD, nhiệm vụ trong năm học mới 2019 - 2020, ngành GD Bắc Kạn cũng tích cực thực hiện bồi dưỡng GV, CBQLGD triển khai CTGDPT mới; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai nhiệm vụ cho GV đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV.

Theo ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn, việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới CTGDPT trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. CBQL các nhà trường sẽ là những người trực tiếp chỉ đạo giáo viên thực hiện các nội dung đổi mới. Trong năm học mới, Sở GD&ĐT Bắc Kạn tiếp tục tổ chức tập huấn GV, CBQL sử dụng SGK lớp 1; hoàn thành các điều kiện chuẩn bị triển khai CT lớp 1 theo CTGDPT mới. Biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung GD địa phương trong CTGDPT. Tổ chức việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, không độc quyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tử vong khi trẻ bị rắn cắn

GD&TĐ - Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.