Triển khai chương trình GDPT và SGK mới: Chủ động gỡ khó

Triển khai chương trình GDPT và SGK mới: Chủ động gỡ khó

Điều đó đòi hỏi các địa phương, đặc biệt vùng khó phải nỗ lực hết mình trong việc bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu.

 Vùng khó… khó trăm bề

Ông Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ (Sơn La) chia sẻ: Toàn huyện có 33 trường học với tổng số 16.361 HS, trong đó có hơn 94% là người dân tộc. Hiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, mới có 528/865 phòng học kiên cố, còn lại 224 phòng học bán kiên cố, 97 phòng học tạm và 16 phòng học nhờ.

Đáng nói, không chỉ thiếu về cơ sở vật chất trường lớp mà đa số trường học tại huyện Vân Hồ còn thiếu phòng thí nghiệm, thiết bị và thư viện. Nhiều điểm trường lẻ xa điểm trường chính về khoảng cách, địa hình giao thông đi lại cách trở… ảnh hưởng trực tiếp đến giảng dạy, học tập của GV và HS.

Cũng bởi khó khăn về cơ sở vật chất chưa thể tháo gỡ triệt để, tới nay toàn huyện Vân Hồ chỉ có 4/14 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, 10/14 trường tổ chức dạy học Chương trình T30 (phụ đạo cho HS thêm 2 buổi chiều/tuần). Việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong thời gian tới không dễ dàng.

Quản Bạ - huyện vùng cao tỉnh Hà Giang cũng nằm trong tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị như nhiều địa phương khác trước khi bước vào năm học mới. Ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Ngành Giáo dục không chỉ thiếu về đội ngũ GV mà hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại nhiều cơ sở giáo dục còn hạn chế. Mạng lưới trường lớp phân tán khiến công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gặp không ít thách thức.

Trưởng phòng GD&ĐT Quản Bạ - ông Lê Trung Thành khẳng định: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đang là bài toán khó cho ngành trong bối cảnh ngân sách chung của địa phương cho giáo dục chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng ít nhiều về tiến độ và đầu tư. Thậm chí trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, nguồn ngân sách chung có thể sẽ “ưu tiên” cho phòng, chống dịch bệnh, chắc chắn ngân sách cho giáo dục càng hạn hẹp hơn.

Tìm biện pháp tháo gỡ

TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Giải quyết vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để triển khai CT và SGK mới, các tỉnh cần tập trung chỉ đạo địa phương tập trung, lồng ghép nhiều nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án xây dựng phòng học theo lộ trình thực hiện SGK ở bậc tiểu học. Cùng đó cần tổ chức các đoàn kiểm tra khảo sát tại một số địa phương khó khăn để tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện.

Bộ GD&ĐT trước đó đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho CT GDMN và GDPT giai đoạn 2017 - 2025 với mục tiêu: Bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện CT GDMN và CTGDPT theo lộ trình đổi mới CT, SGK đối với bậc tiểu học đã được phê duyệt và phân bổ về các địa phương.

Theo đó, giai đoạn 2017 - 2025, đối với bậc tiểu học đã phê duyệt và phân bổ về các địa phương 5.900 phòng thay thế các phòng học tạm thời; Xây dựng bổ sung 6.000 phòng học và 7.700 phòng chức năng; 3.420 phòng thư viện. Mua sắm bổ sung 39.070 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và 2. 258.620 bộ bàn ghế 2 chỗ ngồi; 13.910 bộ máy tính; 1.980 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ…

Ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng phòng GD&ĐT Quản Bạ (Hà Giang) cho biết: Ngành GD-ĐT đã chủ động rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp học, nắm bắt nhu cầu cơ sở vật chất trường lớp trước yêu cầu mới… Từ đó tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện tốt các đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện về công tác giáo dục. Đầu tư trọng điểm và kịp thời cơ sở vật chất cho các trường học đã xuống cấp hoặc quy mô chưa đáp ứng được triển khai CT và SGK mới.

Đặc biệt, ngành GD-ĐT Quản Bạ đẩy mạnh huy động nguồn lực, xã hội hóa giáo dục từ các đơn vị, cá nhân cho cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp. Đến nay, nhiều nhà trường được cải tạo, xây mới phòng học, khu bán trú, công trình vệ sinh; Tăng cường đáng kể về trang thiết bị dạy học… từ nguồn xã hội hóa.

Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cũng chia sẻ: Nhiều giải pháp được ngành GD-ĐT đưa ra để tháo gỡ như: Tiếp tục thực hiện việc rà soát, đánh giá cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; Xác định nhu cầu cần đầu tư xây dựng, mua sắm, bổ sung, sửa chữa để đề xuất UBND tỉnh và Trung ương bố trí kinh phí thực hiện; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án, dự án, chương trình… đầu tư cho giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất - trang thiết bị dạy học triển khai CTGDPT mới. Triển khai Nghị quyết 172/2015/NQ-HĐND, quy định phân cấp, cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng trường học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016 - 2020 để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia...

Trước thềm triển khai CT, SGK mới, ghi nhận các địa phương vùng khó cho thấy sự chủ động, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhằm tránh và hạn chế tối đa tình trạng CT triển khai trước, thiết bị theo sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.