“Chú bé mang Pyjama Sọc” - chiến tranh trong mắt trẻ thơ

GD&TĐ - "Chú bé mang Pyjama sọc" là một cuốn sách nhỏ của tác giả John Boyle - lấy bối cảnh là chiến tranh thế giới thứ hai - qua góc nhìn của cậu bé Bruno lương thiện - kể cho chúng ta một câu chuyện về chiến tranh vô cùng đặc biệt.

“Chú bé mang Pyjama Sọc” - chiến tranh trong mắt trẻ thơ

Tuy không có súng đạn hay đổ máu, không có giọt nước mắt hay sự chia cách đau thương nào, nhưng cuốn sách này đã chạm tới trái tim của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc bố của Bruno được thăng chức, bởi vậy cả gia đình cậu sẽ cùng chuyển qua nhà mới tại Ao Tuýt (Trại tập trung của Đức quốc xã). Trong mắt Bruno và chị gái, cha luôn luôn là một người tuyệt vời, nhưng cậu không hề biết, cha cậu chính là tay sai trực tiếp của Hitler trong công cuộc tàn sát người Do Thái.

""Khi mấy đứa hỏi Bruno cha cậu làm gì, cậu mở miệng toan đáp thì mới nhận ra chính cậu cũng chẳng biết. Cậu chỉ nói được một điều: cha cậu là một người đáng ngưỡng mộ và Quốc trưởng có nhiều việc lớn cần cha làm. À, với cả ông còn có một bộ đồng phục tuyệt đẹp nữa."

Khi ở nhà mới, cậu luôn cảm thấy chán nản bởi vì mình đã phải xa bạn bè, xa ông bà nội và xa ngôi nhà xinh đẹp,đầy đủ tiện nghi ở thành phố. Từ cửa sổ phòng của Bruno ở Ao Tuýt, có thể nhìn thấy được khung cảnh xung quanh căn nhà. Đó là bờ rào thép gai ngăn cách nhà của cậu với mọi thứ, phía xa xa là những gian trại với "một nhóm trẻ túm tụm với nhau trước một toán lính đang quát tháo". Tất cả đều có cùng kiểu quần áo như nhau: một bộ pyjama sọc xám với một chiếc mũ sọc xám trên đầu.

Trong những chuỗi ngày buồn chán ấy, Bruno luôn tìm được cho mình những thú vui để giải trí, nào là tự chế một cái xích đu bằng bánh xe, nào là tâm sự cùng chị hầu gái Maria và có một trò đặc biệt mà cậu rất thích. Đó là: Thám hiểm!!! Trong một lần đi thám hiểm, Bruno đã tình cờ quen được một cậu nhóc trạc tuổi ở bên kia hàng rào. Tên là Shmuel.

"Đó là gương mặt khá lạ. Nó có cặp mắt to và chúng có màu của caramel, lòng trắng rất trắng, và khi nó nhìn Bruno tất cả những gì cậu trông thấy là một cặp mắt mênh mang buồn bã nhìn"

Vậy là từ đó Bruno và Shmuel đã trở thành bạn, chiều nào họ cũng gặp nhau và trò chuyện tại hàng rào. Thỉnh thoảng Bruno còn nhét đầy túi bánh mì, pho mát hoặc là sô cô la cho bạn mình nữa. Mặc dù cậu sẽ không bao giờ có thể hiểu hết được những nỗi đau mà người bạn của mình từng trải qua nhưng Bruno luôn cố gắng dùng sự tử tế của mình để sưởi ấm trái tim bạn...

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, gần gũi, tác giả John Boyne.đã khéo léo đưa người đọc từ quá khứ về thực tại, để mọi mảnh ghép trong câu chuyện dần dần liên kết với nhau để câu chuyện thực sự được sáng tỏ. Lần theo mạch suy nghĩ của nhân vật chính. Thế giới ở bên kia hàng rào dần dần được hé lộ bởi những bất ngờ...

Tình bạn của Bruno và Shmuel đang vô cùng thân thiết thì cha cậu đã quyết định đưa mẹ, chị gái và Bruno về lại Berlin. Vì " có lẽ đây không phải là nơi dành cho trẻ con". Vậy là Bruno phải tạm biệt người bạn mà mình vô cùng yêu quý để trở lại thành phố.

Trước ngày về lại Berlin, cậu hẹn gặp Shmuel và mượn một bộ đồ Pyjama sọc để cải trang cho giống với tất cả mọi người ở bên đó. Mọi thứ thật hào hứng và đáng mong chờ cho chuyến phiêu lưu cuối cùng. Nhưng rồi, tất cả lại không giống những gì Bruno đã tưởng tượng.

"Vậy mà hóa ra, tất cả những gì cậu đã nghĩ có thể có ở nơi đây - đều không có.

Chẳng có người lớn nào ngồi trên những chiếc đu ngòi hiên nhà họ.

Và lũ trẻ chẳng lập thành nhóm chơi trò chơi.

Và nơi đây chẳng những không có tiệm rau quả mà còn chẳng có cả quán cafe giống như Berlin hồi trước.

Thay vào đó là đám người ngồi cùng nhau thành từng nhóm, chằm chằm nhìn xuống đất, trông buồn bã kinh khủng; tất thảy đều có một điểm chung; đều gầy guộc đến phát sợ, mắt trũng sâu và cạo trọc đầu, điều đó khiến Bruno nghĩ ở đây hẳn vừa bùng phát dịch chấy rận."

Hai đứa trẻ cùng nhau lục tung trang trại, vậy mà mãi vẫn không thấy dấu vết cha của Shmuel đâu. Rồi họ vô tình bị hòa vào đám đông đang bị binh lính áp giải đi đâu đó. Trong không gian hỗn loạn ấy, Bruno bất ngờ nắm chặt lấy tay bạn mình và nói : “Cậu là bạn thân nhất của tớ, Shmuel ạ! Bạn thân nhất đời của tớ”

Vài ngày sau đó, không ai còn nghe tin về Bruno nữa. Sự mất tích của cậu gieo vào lòng người đọc một dấu chấm hỏi lớn cùng sự bùi ngùi tiếc nuối. Hơn tất cả, sự mất tích ấy đã để lại cho mẹ Bruno một nỗi đau vô tận và để lại cho cha Bruno một bài học lớn nhất cuộc đời…

"Chú bé mang Pyjama sọc" là cuốn sách đẹp về tình bạn kỳ lạ giữa hai con người đại diện cho hai thế giới khác biệt, đồng thời cũng lên án tội ác của chiến tranh phi nghĩa. Hình ảnh “hàng rào kẽm gai” chính là biểu tượng của sự kì thị và phân biệt chủng tộc, nhưng cho dù nó có cao và dày đến bao nhiêu, “hàng rào kẽm gai” ấy cũng không thể nào ngăn cách được những trái tim chân thật và hồn nhiên giống như Bruno và Shmuel đến và làm bạn với nhau. Rằng cho đến cuối cùng, hai cậu bé trong sáng vẫn nắm tay nhau thật chặt…

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).