Tìm biện pháp giữ cây xanh
Một nhóm thợ cơ khí vừa hoàn thiện xong việc lắp chạc ba bằng trụ sắt làm giá đỡ cho 2 cây phượng cổ thụ của trường THPT Hòa Vang (Q. Cẩm Lê, TP Đà Nẵng). Hai cây phượng cổ thụ này được trồng cách đây 60 năm, từ ngày mới thành lập trường THPT Hòa Vang, gắn bó với rất nhiều thế hệ học sinh của trường.
Cô Hồ Thị Thu Thanh – Hiệu trưởng trường THPT Hòa Vang, cũng đồng thời là HS cũ của trường chia sẻ: “Sân trường vốn không được rộng, số lượng cây xanh vì vậy không nhiều. Để có bóng mát cho HS nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn trường học, nhà trường tìm biện pháp giữ lại cây xanh trong trường học”. Ban giám hiệu trường THPT Hòa Vang đã liên hệ với một đơn vị chuyên chăm sóc cây xanh để xác định độ mục rỗng bên trong thân cây để bàn cách xử lý.
Theo đề xuất của đơn vị chăm sóc cây xanh, hai cây phượng vĩ của trường THTP Hòa Vang đã được gia cố thêm một chạc ba để chống đỡ cây. Nhà trường cũng dự định sẽ trang trí thêm giỏ hoa, làm một kệ sách nho nhỏ, một xích đu xinh xinh như lời cô Thanh chia sẻ để trở thành một góc sinh hoạt xanh mát của HS vào giờ ra chơi.
Cây phượng vĩ của trường THTP Hòa Vang cũng thật đặc biệt. Như lời kể của cô Thanh thì đã có một lần cây bị mục rỗng, buộc phải cưa ngang để tránh gãy đổ. Nhưng rồi ngay gốc cây phượng lại có thêm một cây si và một cây đa mọc cộng sinh. Gốc cây phượng cũng lên thêm nhánh mới. Cả 3 cây quấn quýt vào nhau thành mộc gốc cây vững chãi với vòm lá xanh um. Mùa hè, phượng vẫn nở hoa đỏ một góc sân trường – màu hoa gắn với kỷ niệm của các thế hệ HS trường THTP Hòa Vang trong suốt 60 năm qua khi nhớ về thời hoa niên sôi nổi.
Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Q. Liên Chiểu) cũng tiến hành hàn khung sắt bảo vệ và chống đỡ cho cây phượng già hơn 30 năm tuổi trồng ngay sát cổng trường. Thầy Phan Thanh Bửu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngoài cây phượng già ngay cổng trường, nhà trường còn làm trụ chống đỡ và khung bảo vệ cho 2 cây phượng khác trong khuôn viên nhà trường đã trồng được hơn 10 năm. Chúng tôi làm khung bảo vệ rộng hơn đường kính của thân cây, có đệm lớp cao su để bảo vệ cây trong trường hợp có gió mạnh, thân cây va vào khung bảo vệ cũng không bị trầy xước. Khoảng vài năm mới phải thay khung bảo vệ một lần tùy thuộc vào độ phát triển của cây”.
Thầy Bửu cho biết, hai cây phượng 10 tuổi dù đang phát triển bình thường nhưng vẫn phải tiến hành làm khung bảo vệ vì cây được trồng khi đã lớn. Nhà trường có liên hệ với đơn vị cây xanh để đánh giá hiện trạng phát triển của cây nhưng họ cũng chỉ đánh giá bằng cảm quan chứ không thể xem xét bên trong thân cây được.
Rà soát cây xanh trường học
Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã có công văn gửi các trường học, đơn vị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn trường học.
Theo đó, các đơn vị, trường học cần tăng cường chăm sóc xây canh, có kế hoạch tỉa thưa cành, làm quang vòm lá (loại bỏ các cành lá khô và gãy, những cành to bị bệnh hoặc nguy hiểm) theo định kỳ để bảo đảm cân tán, hạn chế nguy cơ gãy nhánh, mất an toàn.
Sở GD&ĐT cũng khuyến nghị các trường học cần kiểm tra tình hình sinh trưởng các loại cây cổ thụ, nhất là đối với các loài cây phượng vĩ (hay bị mục rỗng thân, mục gốc) và liên hệ với các đơn vị chuyên ngành cây xanh để xử lý bảo đảm an toàn; có phương án chằng, chống phù hợp đối với các cây trồng khi đã lớn (không phải cây trồng lúc còn là cây non) không có rễ cọc, bộ rễ không đảm bảo an toàn.
Một số trường học như Tiểu học Núi Thành, Tiểu học Trần Văn Ơn (Q. Hải Châu) thường xuyên lên kế hoạch cắt tỉa cành cây, loại bỏ các nhánh sâu, thân cây mục rỗng… để đảm bảo an toàn trường học vào các dịp hè, chằng chống cây trước mùa mưa bão. Trường Tiểu học Núi Thành cũng vừa phải đốn hạ hai cây phượng già đã trồi gốc lên khỏi mặt đất khá nhiều, thân bị sâu mục rỗng.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Lãnh đạo các đơn vị, trường học phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn trường học, phòng tránh tai nạn thương tích cho HS, học viên; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và các cấp quản lý về việc không bảo đảm các điều kiện an toàn trường học theo quy định”.