Chờ đợi gì ở cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội?

GD&TĐ - Cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trong 2 ngày (27 - 28/2) tại Hà Nội đang là tâm điểm chú ý của dư luận thế giới. Bao năm qua, câu chuyện giải giáp vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên luôn là sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Sau cuộc gặp ở Singapore, dư luận chờ đợi gì ở cuộc gặp thượng đỉnh lần này tại Hà Nội?

Một cặp du khách nước ngoài đang tìm mua áo có in hình Tổng thống Mỹ và Nhà lãnh đạo Triều Tiên trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thế Đại
Một cặp du khách nước ngoài đang tìm mua áo có in hình Tổng thống Mỹ và Nhà lãnh đạo Triều Tiên trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thế Đại

Từ Singapore tới Việt Nam

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh, cả ông Donald Trump và Kim Jong-un đều có những tuyên bố đầy lạc quan. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ hy vọng kết quả đạt được trong cuộc gặp thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được cộng đồng thế giới chấp thuận. Ông Kim Jong-un đưa ra tuyên bố này trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh, CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo.

Còn với ông Donald Trump, ngày 24/2, trên Twitter của mình, ông viết: “Tôi sẽ đến Hà Nội vào sáng sớm mai để dự hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong-un, nơi cả hai chúng tôi đều mong muốn tiếp tục có những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore. Phi hạt nhân hóa?”.

Cuộc gặp đầu tiên của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên được gọi là “lịch sử” của cả hai bên đã được tổ chức vào tháng 6/2018 tại

Singapore. Khi đó, ông Kim Jong-un và ông Donald Trump đã thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngay sau đó, Triều Tiên đã tháo dỡ các địa điểm thử nghiệm Sohe và Phunheri trong khi Mỹ về cơ bản đã ngừng tập trận chung với Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau đó quá trình đàm phán gần như bị đóng băng. Bình Nhưỡng cho rằng Hoa Kỳ đã không thực hiện lời hứa của mình là nới lỏng chế độ trừng phạt và bảo đảm an ninh cho CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, vào Chủ nhật (24/2), Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã cáo buộc đại diện của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ và giới tình báo đang nỗ lực ngăn cản cuộc đàm phán giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un. Theo KCNA, nếu ông Trump nghe theo đảng Dân chủ thì giấc mơ cải thiện quan hệ với Triều Tiên sẽ “tan thành mây khói” và Nhà Trắng sẽ bỏ lỡ “cơ hội lịch sử”.

Tuy vậy, những nỗ lực của chính quyền Donald Trump trong thời gian gần đây là đáng được ghi nhận. Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên đã đồng ý thành lập một nhóm công tác về phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, các bên đã thảo luận về phản ứng của Washington đối với những tiến bộ trong giải trừ hạt nhân trên bán đảo. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cũng có chuyến công du hiệu quả tới Mỹ. Ngoài ra, vào ngày 18/1, các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã có cuộc họp kín tại Thụy Điển. Tất cả những động thái trên đều nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trong đó có công tác chuẩn bị cho cuộc gặp Trump - Kim lần 2 tại Hà Nội.

Sẽ có đột phá?

Trước thềm cuộc gặp Trump - Kim tại Hà Nội, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: CHDCND Triều Tiên sẽ chấp nhận giải giáp vũ khí hạt nhân hoàn toàn hay chỉ từng phần? Ông Donald Trump và ông Kim Jong-un sẽ đạt được những thỏa thuận cụ thể hay chỉ dừng lại ở những tuyên bố chung chung? Liệu hiệp ước hòa bình Mỹ - Triều có được ký kết?...

Điều dễ hiểu rằng giải giáp vũ khí hạt nhân không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Còn nhớ vào những năm 1990, Bình Nhưỡng và Washington từng đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, để vinh danh sự kiện bà Hillary Clinton đến Triều Tiên, người ta còn cho phóng một tên lửa bơm hơi trượng trưng cho lần phóng cuối cùng trên đất Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, khi G. Bush trở thành Tổng thống, ông lập tức tuyên bố Triều Tiên là quốc gia bất hảo và mọi thỏa thuận trở nên vô nghĩa.

Vấn đề ở chỗ, cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội phải đạt được một bước tiến cụ thể hơn so với cuộc gặp ở Singapore, chứ không thể chỉ đưa ra những tuyên bố chung chung.

Theo các nhà phân tích, một giải pháp khả thi rằng Triều Tiên chia quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân thành các giai đoạn và với mỗi giai đoạn như vậy, họ sẽ nhận được một “củ cà rốt” trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Ở Hoa Kỳ và Hàn Quốc, dư luận cho rằng ông Trump có thể đi theo hướng “có đi, có lại” này để khẳng định Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội thành công.

Ngoài ra, rất có thể Bình Nhưỡng sẽ cho phép các thanh sát viên hạt nhân quốc tế vào nước này giám sát như những lần trước đó. Rất có thể Mỹ sẽ mở một văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng - bước đi đầu tiên trong việc thiết lập bang giao giữa hai nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

GD&TĐ - Ung thư vú phủ bóng đen lên cuộc sống của vô số người trên toàn cầu, ảnh hưởng đến những người mắc bệnh và gia đình của họ.