Chuẩn bị tốt các điều kiện về CSVC
Có mặt tại Trường THCS Đức Thượng, Hoài Đức (Hà Nội) ngôi trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ I từ năm 2013, chúng tôi cảm nhận được không khí chuẩn bị cho năm học mới hết sức khẩn trương. Tại khu vực sân trường, các nhân viên đang tiến hành sửa chữa, vận chuyển bàn ghế mới. Trong các phòng học, giáo viên (GV) và nhân viên trong trường đang sắp xếp phòng học, sửa chữa bàn ghế, bảng, phòng nghỉ bán trú cho HS...
Cô Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, nhà trường có tổng số 20 lớp học, số HS lớp 6 năm nay tăng hơn 2 lớp so với mọi năm. Ngay từ trong hè, nhà trường đã triển khai cải tạo, sửa chữa các phòng học đảm bảo đủ chỗ ngồi cho HS trong năm học mới. Nhà trường cũng làm việc với ban đại diện cha mẹ HS để huy động thêm nguồn vốn xã hội hoá đầu tư CSVC cho trường.
Không chỉ ở thành phố, mà cả những ngôi trường vùng cao, công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng được chuẩn bị rốt ráo. Cô Ma Thị Chuyên, Hiệu trưởng Trường PTCS Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn cho biết, năm học 2018 - 2019 nhà trường có 23 lớp với tổng số 318 HS.
Để chuẩn bị đón HS tập trung vào ngày 13/8, trước đó, từ ngày 2/8, nhà trường đã hoàn thành công tác kiểm kê, rà soát, sửa chữa bàn ghế, hệ thống điện, nước, mua sắm thêm đồ dùng và các trang thiết bị khác phục vụ cho công tác giảng dạy. Đồng thời, nhà trường cũng tổ chức cho cán bộ, GV, nhân viên nhà trường cùng HS tham gia lao động dọn dẹp vệ sinh, phong quang trường, lớp, nơi làm việc, xới cỏ, nhổ cỏ trong các bồn hoa, quét rác xung quanh khuôn viên của trường nhằm đảm bảo môi trường cảnh quan sư phạm, xanh - sạch - đẹp.
Cùng với công tác chuẩn bị về CSVC, nhà trường đã huy động được một lượng lớn SGK và đồ dùng học tập, giúp những em HS có hoàn cảnh khó khăn thêm tự tin bước vào năm học mới.
Sắp xếp mạng lưới trường lớp, ổn định đội ngũ giáo viên
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tỉnh Thanh Hóa cũng đang tích cực sửa chữa trường lớp, bổ sung CSVC; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, GV để phục vụ tốt nhất cho công tác dạy học.
Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp theo Quyết định 1965/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như tăng cường nguồn kinh phí địa phương đầu tư CSVC, thiết bị dạy học, thực hiện đề án mở rộng nâng cấp các trường THPT đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp các trường DTNT đến năm 2020, kinh phí đầu tư ước đạt 371.000 triệu đồng.
Đến nay, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 64% (1.343/2.100 trường học); số phòng học kiên cố đạt 87% (21.490/25.464 phòng học). Nhiệm vụ trọng tâm năm học 2018 - 2019 sẽ tiếp tục sắp xếp mạng lưới trường, lớp theo kế hoạch của tỉnh đến năm 2020, phù hợp với yêu cầu hiện nay. Phấn đấu trong năm học 2018 - 2019, giảm 39 trường học.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD đủ số lượng, nâng cao chất lượng giảng dạy và hiệu quả công tác đáp ứng yêu cầu đổi mới GD; Tiếp tục tăng cường CSVC, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đảm bảo các điều kiện cho dạy và học. Phấn đấu năm học 2018 - 2019 tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 67%; năm học 2019 - 2020, đạt 70%.
Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT yêu cầu ngành GD các huyện, thị, thành phố đốc thúc tiến độ thi công xây dựng, sửa chữa CSVC trường lớp; trang trí lại trường lớp, tạo cảnh quan sư phạm thoáng mát, sạch đẹp để đón HS vào năm học mới.
Ở các địa phương trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại tỉnh Thanh Hóa cũng đang tiến hành tu sửa CSVC, trường lớp học, mua sắm trang thiết bị phục vụ năm học mới 2018 - 2019. Thầy Đinh Văn Cẩm - Hiệu trưởng Trường THCS Thành Mỹ, huyện Thạch Thành cho biết, nằm trong vùng trọng điểm ngập lụt, nên chỉ vài ngày mưa lớn, Trường THCS Thành Mỹ đã bị ngập sâu từ 1 - 2m. Ngay khi nước rút, nhà trường đã huy động giáo viên, HS tích cực dọn dẹp, vệ sinh trường lớp để chuẩn bị cho năm học mới.
“Năm học 2018 - 2019, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) có 4 trường THPT, 29 trường THCS, 33 trường tiểu học và 29 trường mầm non, cùng với việc nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, các nhà trường ở vùng lũ huyện Thạch Thành đang tích cực thống kê cơ sở vật chất bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa, bổ sung. Đối với các trường trang thiết bị, nhất là đồ chơi cho trẻ bị hư hỏng nhiều sau lũ, Phòng GD&ĐT sẽ rà soát xem thiệt hại đến đâu để có hướng chỉ đạo bổ sung thêm những đồ còn thiếu cho các trường, đảm bảo cơn lũ đi qua không làm ảnh hưởng đến công tác dạy và học của các nhà trường khi năm học mới sắp bắt đầu” - Ông Phạm Văn Dĩnh - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết.