Giờ đây, một nghiên cứu mới đã được thực hiện để nhấn mạnh những mối lo ngại này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đột biến gen ở trẻ với CRISPR gắn liền với nguy cơ tử vong sớm. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy đột biến này - được gọi là CCR5-delta 32 và xảy ra tự nhiên với một tỷ lệ nhỏ ở người - có liên quan đến sự gia tăng tới 20% nguy cơ tử vong trước tuổi 76.
“Ngoài nhiều vấn đề về đạo đức liên quan đến các em bé bị chỉnh sửa gen bằng CRISPR… vẫn rất nguy hiểm khi cố gắng tạo ra các đột biến mà không biết hậu quả của những đột biến đó”, tác giả cấp cao của nghiên cứu Rasmus Nielsen, Giáo sư Sinh học tích hợp tại Đại học California tại Berkeley (Mỹ), khẳng định. Trường hợp của CCR5-delta 32 có thể không phải là đột biến mà hầu hết mọi người đều muốn có. Thực ra xét trung bình, cuộc sống của bạn sẽ còn tệ hơn nếu mang trên mình đột biến này.
CCR5 là một loại protein nằm trên bề mặt của một số tế bào miễn dịch. Thực tế là HIV sử dụng protein này như một cổng để xâm nhập vào bên trong các tế bào đó. Nhưng khoảng 10% người gốc châu Âu có đột biến gen CCR5 khiến protein này bị thay đổi và dẫn tới miễn dịch với HIV.
Nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui muốn đưa đột biến này vào bộ gen của hai em bé song sinh bằng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9. Bằng chứng sẵn có cho thấy rằng ông không thể sao chép chính xác đột biến tự nhiên, nhưng nhà khoa học đã đưa ra một đột biến có hiệu quả tương tự như dạng “một protein CCR5 bất hoạt”.
Một số nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng mặc dù đột biến CCR5 cho con người miễn dịch với HIV, nhưng nó có thể đem đến cả những tác dụng phụ có hại, chẳng hạn như tăng khả năng tử vong do cúm.
Trong nghiên cứu mới, người ta đã đã phân tích thông tin ở hơn 400.000 người từ 41 - 78 tuổi ở Anh có hồ sơ sức khỏe và hệ gen là một phần của cơ sở dữ liệu được gọi là UK Biobank. Các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm những người có di truyền “đồng hợp tử” đối với đột biến CCR5, nghĩa là cả hai bản sao gen CCR5 của người đó đều bị đột biến (một người bình thường có hai bản sao của mỗi gen).
Những người có hai bản đột biến CCR5 có khả năng sống thọ đến tuổi 76 thấp hơn 20% so với những người chỉ có một bản đột biến hoặc không có bản đột biến nào của gen này. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng số người có đột biến này ghi danh vào cơ sở dữ liệu ít hơn so với dự kiến, cho thấy những cá nhân này đã chết trẻ hơn với tỷ lệ cao hơn so với dân số nói chung, các nhà nghiên cứu cho biết.
Phát hiện mới một lần nữa nhấn mạnh ý tưởng gây ra các đột biến mới hoặc các đột biến xuất phát từ người thông qua công nghệ CRISPR (hoặc các phương pháp khác trong kỹ thuật di truyền) đi kèm với những rủi ro đáng kể, ngay cả khi các đột biến mang lại lợi thế rõ rệt. “Trong trường hợp này, cái giá phải trả cho việc miễn dịch với HIV có thể là giảm đề kháng với các căn bệnh khác phổ biến hơn”, các nhà nghiên cứu kết luận.