Sáng 23/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
Theo đó, một trong những nội dung được Chính phủ ghi nhận là, chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì, công tác dạy học được tổ chức triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh; tới nay, học sinh, sinh viên cả nước đã trở lại học tập trực tiếp.
Tính đến ngày 18/4, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp đạt 99,57%. Tổng số huyện, quận, thành phố, thị xã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp là 705/705, đạt tỷ lệ 100%.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, nhiệm vụ thời gian là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp THPT. Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – cho rằng: Cần nhìn nhận, quan tâm thỏa đáng tới tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, nhất là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kết quả khảo sát của Quỹ nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cho thấy, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên; khoảng 12% tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Ở góc độ toàn cầu, tự hại, tự sát là nguyên nhân thứ 3 về tử vong cho nhóm trẻ em gái từ 15-19 tuổi và là nguyên nhân thứ 4 về tử vong cho trẻ em nam từ 15-19 tuổi.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu: Áp lực học hành, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích, kỳ vọng quá lớn của cha, mẹ, bạo hành gia đình, vấn đề thông tin mạng… là những nguyên nhân chính và cần có ưu tiên, giải pháp phòng ngừa.