Chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chỉnh lý khái niệm công trình quốc phòng

Trình bày báo cáo tại phiên họp, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 6 chương, 34 điều.

Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, cần cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo ngay trong nội dung giải thích, bảo đảm thống nhất với khái niệm “Khu quân sự” (KQS) và các nội dung của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉnh lý lại khái niệm công trình quốc phòng (CTQP).

CTQP là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc. CTQP có thể nằm trong hoặc ngoài KQS.

Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo.

Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo.

Để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đề nghị chỉnh lý lại khái niệm này như sau: “KQS là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng”.

Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm CTQP và KQS để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Quan tâm đến nguồn kinh phí hỗ trợ

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, nguồn lực con người, các chính sách hỗ trợ, quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các quy định của dự án luật.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị thống nhất các lực lượng của địa phương khi thực hiện phân công tham gia bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự.

Trên cơ sở đó, các cấp của chính quyền địa phương mới có cơ sở phân công các lực lượng phối hợp tham gia bảo vệ, đảm bảo đúng đối tượng, chức năng, nhiệm vụ.

Cơ quan trình dự án luật cũng cần rà soát đối chiếu với các dự án khác để tránh chồng chéo khi luật có hiệu lực thi hành, đảm bảo tuổi thọ của luật.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan trình nghiên cứu Điều 12 dự thảo luật quy định về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến thông qua. Vì vậy, cần nghiên cứu quy định nội dung này đảm bảo đồng bộ với các quy định liên quan.

Trong khi đó, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) đánh giá cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, chuyên gia từ Kỳ họp thứ 5 đến nay.

Về thẩm quyền của Chính phủ đối với chế độ bảo vệ vành đai an toàn kho đạn dược và hành lang an toàn kỹ thuật và hệ thống ăng ten quân sự được quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 18, đại biểu đề nghị dự thảo nên xem xét bỏ quy định này.

Đại biểu cũng cho rằng việc không bao quát hết thẩm quyền thuộc Thủ tướng cho tất cả trường hợp còn lại chưa được liệt kê tại điều luật. Từ đó, tránh mất nhiều thời gian trong quá trình thực hiện đối với những việc có tác động không lớn.

Đại biểu cho rằng, thẩm quyền này nên được cân nhắc xem xét kỹ đối với từng trường hợp cụ thể và quy định trong văn bản về trình tự, thủ tục cho phép hoạt động quản lý các công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ