Chỉnh lại thước ngắm

GD&TĐ - Bắn súng là môn duy nhất của thể thao Việt Nam từng giành Huy chương Vàng Olympic.

Bắn súngViệt Nam đặt mục tiêu đứng số 1 tại SEA Games 31.
Bắn súngViệt Nam đặt mục tiêu đứng số 1 tại SEA Games 31.

Tuy nhiên, sau chức vô địch của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio (Brazil) năm 2016, đội tuyển bắn súng Việt Nam đã gây thất vọng ở SEA Games 2017, thua thảm hại ở SEA Games 2019.

Vậy nên, chỉ tiêu 5 – 7 Huy chương Vàng và vị trí số 1 toàn đoàn của bắn súng Việt Nam tại kỳ Đại hội trên sân nhà vào tháng 5 tới liệu có khả thi?

Đi tìm “mỏ vàng”

Cho đến trước SEA Games 2019, trong 14 kỳ đại hội thể thao khu vực (ngoại trừ năm 1999 không có trong chương trình thi đấu), bắn súng Việt Nam đều giành Huy chương Vàng, bất chấp mọi trở ngại về chương trình thi đấu hay súng đạn.

Ngay năm 1989, kỳ SEA Games đầu tiên hội nhập trở lại của thể thao Việt Nam, bắn súng chính là môn duy nhất đoạt được Huy chương Vàng, thậm chí còn có tới ba lần đăng quang.

Năm 2003, trong lần đầu đăng cai tổ chức ngày hội thể thao khu vực, đội tuyển bắn súng đã giành tới 22 Huy chương Vàng, góp công lớn vào vị trí số 1 toàn đoàn của thể thao Việt Nam.

Đỉnh cao của bắn súng Việt Nam là chiến tích Huy chương Vàng Olympic 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đây cũng là Huy chương Vàng Thế vận hội đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại của thể thao Việt Nam.

Mặc dù vậy, trong những kỳ SEA Games gần đây, số lượng Huy chương Vàng của bắn súng ngày càng sụt giảm. SEA Games 25 - 2009 tại Lào, đội tuyển bắn súng thành công rực rỡ với 11 Huy chương Vàng. Hai kỳ tiếp theo (2011, 2013) bắn súng vẫn duy trì vị thế là mỏ vàng của thể thao Việt Nam khi đều được 7 Huy chương Vàng.

Kết thúc SEA Games 2015, đội tuyển bắn súng chỉ giành được 4 Huy chương Vàng. Đặc biệt, năm 2019, Hoàng Xuân Vinh thất bại ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam khiến cho bắn súng Việt Nam lần đầu tiên sau 30 năm, kể từ SEA Games 1989 không giành được Huy chương Vàng nào.

Dù có lý do khách quan, nước chủ nhà Philippines chỉ tổ chức đúng 4 nội dung môn bắn súng trong chương trình thi đấu, song SEA Games 30 vẫn là một nỗi đau, thất bại cay đắng của bắn súng Việt Nam.

Càng đáng nói hơn bởi bắn súng Việt Nam đã rơi vào thảm cảnh khi thời điểm đó chúng ta đang sở hữu một nhà vô địch Olympic. Hoàng Xuân Vinh cùng đội tuyển bắn súng quốc gia đã được ưu tiên đầu tư đặc biệt kể từ sau kỳ tích giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc Olympic ở Rio năm 2016.

Với người trong nghề, thất bại ở SEA Games 2019 không phải là cú sốc, mà nó là kết quả tất yếu của sự sa sút về nhiều mặt của bắn súng Việt Nam, song nhanh chóng bị lãng quên bởi ánh hào quang trên đất Brazil.

Trong những năm gần đây, tay súng chủ lực Hoàng Xuân Vinh luôn đối mặt với bài toán tâm lý và gánh nặng tuổi tác. SEA Games 2017, xạ thủ sinh năm 1974 đã thất bại ở nội dung sở trường.

May mà Hà Minh Thành kịp thời giành Huy chương Vàng cứu cho bắn súng khỏi Việt Nam rơi vào trắng tay. Ngay cả khi được treo thưởng đến 2 tỷ đồng cho 1 tấm Huy chương Vàng ASIAD năm 2018, nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh và đồng đội vẫn thất bại.

Sau câu chuyện thần kỳ năm 2016, bắn súng Việt Nam đã thất bại ở vòng loại Olympic Tokyo 2020. Hoàng Xuân Vinh trượt dài trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bắn súng thế giới (ISSF), chỉ xếp ở vị trí thứ 25 nội dung 10 m súng ngắn hơi, trong khi 16 tay súng có thứ hạng cao nhất mới được quyền tham dự Olympic.

Hoàng Xuân Vinh đã chuyển sang công tác huấn luyện.

Hoàng Xuân Vinh đã chuyển sang công tác huấn luyện.

ISSF sau đó phân bổ 1 suất cho bắn súng Việt Nam. Hoàng Xuân Vinh đã được chọn đến Nhật Bản, song anh không thể mang đến câu chuyện cổ tích. Xạ thủ quê Quảng Trị giành 573 điểm sau 60 lần bắn, xếp 22/36 vận động viên vòng loại.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bắn súng Việt Nam những năm qua đều phụ thuộc quá nhiều vào phong độ của các lão tướng để chinh phục các đấu trường quốc tế và Hoàng Xuân Vinh dù là tượng đài nhưng cũng không thể cứ mãi tỏa sáng.

Để lấy lại vị thế vốn có của mình, đội tuyển bắn súng Việt Nam cần mạnh dạn trẻ hóa lực lượng để tìm những gương mặt mới trong tương lai, tính tới mục tiêu lâu dài. Việc lão tướng Hoàng Xuân Vinh giải nghệ ở sân chơi SEA Games 31 chính là cơ hội cho các tay súng trẻ vươn lên chứng tỏ thực lực.

Theo bà Nguyễn Thị Nhung – huấn luyện viên trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, nếu muốn có những vận động viên đỉnh cao thế giới thì phải có dàn lực lượng trẻ ở các câu lạc bộ, còn đội tuyển chỉ là nơi tuyển chọn những vận động viên giỏi để lên tập luyện.

Trong tình trạng “đãi cát tìm vàng” hiện nay, những gương mặt tiềm năng cũng rất ít. Trước đây, mỗi một địa phương có thể tuyển chọn 10 - 15 vận động viên giỏi rất dễ dàng, nhưng đến nay chỉ còn một, hai vận động viên có thể chọn được.

Tại SEA Games 31, Việt Nam sẽ tổ chức đầy đủ 20 nội dung ở bộ môn bắn súng. Đội tuyển bắn súng quốc gia đặt mục tiêu giành 5 - 7 Huy chương Vàng. Theo Phụ trách Bộ môn bắn súng - Tổng cục Thể dục thể thao Vũ Thị Anh Đào, bắn súng Việt Nam sẽ tham dự đầy đủ 20 nội dung, nếu các xạ thủ thi đấu đúng phong độ, đội tuyển bắn súng Việt Nam hoàn toàn có khả năng lấy lại vị thế ở sân chơi khu vực và giành được vị trí số 1 môn bắn súng. 

Còn những thách thức

Trường bắn súng tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) đã được nâng cấp, cải tạo hiện đại phục vụ SEA Games 31. Trường bắn súng được nâng cấp hướng tới tiêu chuẩn Đông Nam Á với các trang thiết bị hiện đại. Hệ thống bia điện tử hiện đại được đưa vào sử dụng.
Được biết, môn bắn súng tại SEA Games 31 với sự tham gia của gần 300 vận động viên của 9 quốc gia trong khu vực và 24 trọng tài quốc tế. Dự kiến vào đầu tháng 4 tới, bộ môn bắn súng sẽ có giải tiền SEA Games để các vận động viên tranh tài.

Do ảnh hưởng của Covid-19 nên trong 2 năm qua, các xạ thủ Việt Nam không được thi đấu quốc tế, trang thiết bị tập luyện lại thiếu thốn, trường bắn chưa sửa chữa xong để vận động viên làm quen với bia điện tử... Mục tiêu đề ra sẽ là thách thức không nhỏ với đội tuyển bắn súng quốc gia.

Đặc biệt, lượng đạn dành cho đội tuyển bắn súng thiếu trầm trọng, không đủ để tập luyện nên có thời điểm, các tuyển thủ phải tập bắn “chay”. Huấn luyện viên trưởng Nguyễn Thị Nhung cho biết, để đạt được thành tích, mỗi vận động viên trong một bài tập bình thường cần tới 20 viên đạn bắn thử và 60 viên đạn bắn thật.

Khi vào tập luyện với cường độ cao, lượng đạn phải gấp từ 3 - 4 lần. Bà Nhung thừa nhận các học trò đang gặp nhiều khó khăn, mà việc thiếu đạn ảnh hưởng lớn nhất đến nâng cao trình độ.

Lý giải về những khó khăn của “mỏ vàng” bắn súng, ngay trước thềm SEA Game 31, bà Vũ Thị Anh Đào cho biết, súng, đạn thuộc danh mục vũ khí thể thao, khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ có những quy định rất khắt khe.

Mặc dù, có nguồn lực đầu tư cho đội tuyển nhưng phải hoàn thành thủ tục pháp lý. Theo quy trình, từ đầu năm bộ môn bắn súng sẽ trình lượng súng, đạn cần mua trong một năm, nhưng phải đến cuối năm mới nhận được. Hiện nay, nhiều trang thiết bị của bộ môn bắn súng thiếu hụt, chưa đáp ứng yêu cầu giáo án tập luyện với cường độ cao.

Về nhân sự, sau Olympic Tokyo 2020, xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh nghỉ thi đấu để chuyển sang công tác huấn luyện. Để chuẩn bị cho SEA Games 31, ngay từ tháng 1/2022, Tổng cục Thể dục Thể thao đã triệu tập 28 vận động viên vào đội tuyển bắn súng quốc gia.

Trong đó, 8 vận động viên được đặt niềm tin giành Huy chương Vàng gồm: Hà Minh Thành, Phạm Quang Huy, Phan Công Minh, Nguyễn Xuân Chuyên, Nguyễn Đình Thành (súng ngắn nam), Phí Thu Thảo, Nguyễn Thu Trang (súng trường nữ), Nguyễn Thu Vinh (súng ngắn nữ) đã được đưa sang Hàn Quốc tập huấn dài hạn từ trước Tết Nguyên đán 2022.

Một buổi tập luyện của đội tuyển bắn súng Việt Nam.

Một buổi tập luyện của đội tuyển bắn súng Việt Nam.

Đội tuyển bắn súng đang trong giai đoạn trẻ hóa, song những gương mặt kỳ cựu như xạ thủ Trần Quốc Cường (sinh năm 1974) sẽ gánh vác thử thách với mục tiêu giành Huy chương Vàng cá nhân và đồng đội nội dung 10m súng ngắn hơi nam (cùng với 2 đồng đội trẻ), hay ở nội dung súng trường di động nam, nữ với Đặng Hồng Hà - xạ thủ từng giành huy chương ASIAD…

Đặc biệt, đại hội lần này, bắn súng Việt Nam còn đặt mục tiêu giành ít nhất 1 Huy chương Vàng cho những nội dung chưa bao giờ là sở trường, đồng thời đây được coi là đợt sát hạch quan trọng cho các xạ thủ nhằm hướng tới ASIAD 2022 vào tháng 9 tới tại Trung Quốc.

Xạ thủ Trần Quốc Cường chia sẻ: “Mỗi tuần, Ban huấn luyện dành 30 phút để các vận động viên dày dạn kinh nghiệm thi đấu như tôi và các vận động viên trẻ có dịp trao đổi chuyên môn với nhau.

Năm nay, đội tuyển bắn súng Việt Nam quy tụ nhiều vận động viên trẻ, nên nhiều em không tránh khỏi tâm lý căng cứng trước giải đấu lớn. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất tập luyện, song chúng tôi đều quyết tâm thi đấu để giành thành tích cao nhất tại SEA Games 31”.

Huấn luyện viên Nguyễn Hồng Nhung cho biết thêm, bắn súng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mới. Trước mắt, đội tuyển quốc gia sẽ tham gia tất cả các nội dung Olympic nằm trong chương trình thi đấu của SEA Games 31, cho dù đó không phải nội dung thế mạnh của chúng ta.

Mục tiêu của bắn súng Việt Nam không chỉ là “định mức” Huy chương Vàng ở kỳ Đại hội trên sân nhà, quan trọng hơn là đưa lực lượng trẻ dần thay thế những xạ thủ kỳ cựu, nhằm hướng đến mục tiêu tầm châu lục và thế giới. Để làm tốt việc này, bắn súng Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn.

Trên thực tế, từ nhiều năm qua, đội tuyển bắn súng Việt Nam và Thái Lan luôn là những ứng cử viên nặng ký cho vị trí dẫn đầu. Không tính SEA Games 2017 và 2019, bắn súng Việt Nam và Thái Lan luôn chiếm 50% số Huy chương Vàng đại hội thể thao khu vực.

Với 20 nội dung thi đấu, đội tuyển bắn súng Việt Nam cần giành 5 -6 Huy chương Vàng mới có khả năng giành vị trí nhất toàn đoàn. Cái khó còn ở chỗ, ngoài Thái Lan rất ổn định, Singapore cũng đang vươn lên mạnh mẽ trong những kỳ SEA Games gần đây.

Không loại trừ, đội tuyển bắn súng Quốc đảo sư tử sẽ tạo ra sự đột biến trong cuộc cạnh tranh Huy chương Vàng. Thêm một thử thách cho các xạ thủ Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ