Chính chúng ta đang tạo ra siêu vi khuẩn “3 giây giết 1 người” như thế nào?

Siêu vi khuẩn kháng thuốc đáng sợ hơn ung thư vì có thể khiến hơn 10 triệu người tử vong mỗi năm. Nhưng những siêu vi khuẩn ấy, chúng ở đâu sinh ra?

Chính chúng ta đang tạo ra siêu vi khuẩn “3 giây giết 1 người” như thế nào?
Bây giờ là thời đại mà nhiều người nghĩ rằng nếu bị ốm thì có ngay thuốc trong tầm tay, uống vào là khỏi, nhưng suy nghĩ này đang hại chết chúng ta còn dễ dàng hơn cả trước khi thuốc chữa bệnh xuất hiện. Và điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần, với sự gia tăng đáng sợ của những siêu vi khuẩn kháng thuốc có khả năng kháng lại hầu hết các loại thuốc kháng sinh hiện nay, và vì chúng, con người hoàn toàn có thể tử vong khi mắc bệnh thông thường.
vi khuẩn kháng thuốc
(Ảnh: Internet)
Thực tế, vi khuẩn có ở khắp mọi nơi, phần lớn là vô hại, thậm chí hữu ích, nhưng cũng có một số loại gây bệnh - từ bệnh nhiễm trùng da, tai, cho đến những bệnh nặng nhiều khả năng dẫn đến tử vong như viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết... Và để chống lại các loại vi khuẩn này, thuốc kháng sinh được bào chế. Nhờ khả năng cứu sống vô số mạng người, thuốc kháng sinh đôi khi bị nhầm như thần dược chữa bá bệnh trong khi thật sự chỉ có thể dùng để điều trị tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh do vi khuẩn gây ra, ngoài ra vô dụng với những bệnh do virus, như cảm lạnh thông thường, hoặc do ký sinh trùng. Việc tùy tiện sử dụng kháng sinh trong những trường hợp bệnh như vậy vừa không khỏi bệnh mà còn hại cơ thể.
Thực tế, việc dùng thuốc kháng sinh không đúng, dùng khi không cần thiết và ngược lại, không dùng khi cần thiết đang là sai lầm rất nhiều người mắc phải dẫn đến “lờn thuốc”, hay dùng từ chuyên môn hơn là khiến vi khuẩn trở nên kháng kháng sinh. Tình trạng đáng ngại này không chỉ do người sử dụng thiếu hiểu biết về thuốc và sử dụng sai mà cả một số bác sỹ, người am hiểu về thuốc cũng vì lý do này hay khác, kê toa thuốc không thích hợp cho bệnh nhân của mình.
vi khuẩn kháng thuốc
(Ảnh: Internet)
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có ít nhất 30% trường hợp dùng kháng sinh là hoàn toàn không phù hợp. Và khi ấy, vi khuẩn sẽ “thích nghi” được với loại thuốc được tạo ra để tiêu diệt nó, từ đó thay đổi để tiếp tục tồn tại được, không chỉ vô hiệu hóa các đặc tính của thuốc mà còn trở nên phức tạp và khó đối phó hơn gấp nhiều lần.
Một nguyên nhân khác, tuy thầm lặng nhưng không kém phần nghiêm trọng sinh ra ngày càng nhiều siêu vi khuẩn kháng thuốc là từ cách sản xuất thực phẩm chúng ta sử dụng mỗi ngày. Theo Peter Collignon, giáo sư chuyên nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm và vi sinh học tại Đại học Quốc gia Australia thì tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh đang diễn ra khá phổ biến trong chăn nuôi - thuốc được trộn cùng thức ăn cho gia súc, gia cầm để phòng bệnh cho chúng cũng như để thúc đẩy tăng trưởng - có thể khiến siêu vi khuẩn hình thành. Những siêu vi khuẩn này sau đó dễ dàng truyền vào thức ăn, nguồn nước của con người, và tăng nguy cơ phát triển vi khuẩn kháng thuốc ở người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định vi khuẩn kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe con người khi gây thêm hàng triệu ca bệnh mới mỗi năm, gây bệnh kéo dài và khả năng dẫn tới tử vong. Tình hình hiện tại thật sự nghiêm trọng vì không chỉ vi khuẩn kháng thuốc mà đã siêu vi khuẩn kháng thuốc cũng đã xuất hiện - với loại siêu vi khuẩn này, ngay cả kháng sinh mạnh nhất hiện nay là colistin cũng không có tác dụng. Báo cáo xét nghiệm dương tính mới nhất được ghi nhận ở Mỹ, nhưng trước đó đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác nhau, mà đầu tiên là tại Trung Quốc - nơi colistin đang được sử dụng rất nhiều trong nông nghiệp.
vi khuẩn kháng thuốc
(Ảnh: Internet)
Vi khuẩn ngày càng trở nên phức tạp, các loại thuốc để đối phó với chúng cũng bắt buộc phải mang nhiều độc tính hơn, hại sức khỏe hơn… Đó là lý do vì sao chúng ta cần duy trì hiệu quả của các loại thuốc kháng sinh hiện có, đặc biệt khi những thuốc này vẫn rất cần trong việc điều trị nhiều bệnh khác nhau. Hãy nhớ kỹ những việc sau khi dùng thuốc:
- Hiểu rõ về bệnh, chỉ dùng thuốc khi cần thiết và được kê đơn;
- Khi đã dùng thuốc kháng sinh, cần bảo đảm tuân theo chỉ dẫn, dùng đủ liều, không tự tiện ngưng kể cả khi đã thấy khỏe hơn;
- Không dùng chung thuốc kháng sinh với người khác.
Ngoài ra, bạn cũng hãy chủ động bảo vệ mình khỏi vi khuẩn gây hại bằng cách rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các bề mặt công cộng… có lối sống lành mạnh, vận động đều, ăn đủ dinh dưỡng và bảo đảm ngủ đủ giấc.
Theo afamily.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.