Chiến lược vũ khí mới của NATO giữa chiến sự

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Mỹ và các đồng minh NATO đang thay đổi dần chiến lược cung cấp vũ khí cho Ukraine, từ viện trợ chuyển sang giúp sửa chữa.

Mỹ sẽ giảm cung cấp vũ khí cho Ukraine và thay vào đó sẽ hỗ trợ sửa chữa.
Mỹ sẽ giảm cung cấp vũ khí cho Ukraine và thay vào đó sẽ hỗ trợ sửa chữa.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 20/7, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm và duy trì khí tài William LaPlante cho biết: "Washington cùng đồng minh đang thiết lập các trung tâm sửa chữa ở châu Âu, cũng như dịch tài liệu huấn luyện và vận hành sang tiếng Ukraine. Khối lượng công việc rất lớn, nên các quốc gia đối tác sẽ tập trung vào vấn đề này".

Theo tờ Politico, Mỹ cùng các đồng minh từ lâu đã bày tỏ lo ngại về nỗ lực bảo đảm hoạt động cho lượng lớn khí tài viện trợ cho Kiev trước khi quân đội Ukraine tiến hành chiến dịch phản công lớn hồi đầu tháng 6.

Yêu cầu này càng trở nên bức thiết trong bối cảnh lực lượng Ukraine hứng chịu hàng loạt thiệt hại về khí tài khi tấn công vào phòng tuyến kiên cố của Nga.

Đảm bảo khả năng vận hành cho lượng vũ khí trị giá hàng tỷ USD của Ukraine là một trong những nhiệm vụ chính của nhóm làm việc gồm 22 quốc gia do Mỹ, Anh và Ba Lan dẫn đầu, trong đó Thứ trưởng LaPlante điều hành nhóm.

"Chúng tôi thường xuyên đối thoại với những người đồng cấp Ukraine. Liên minh đang theo dõi tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu của từng hệ thống vũ khí gần như theo thời gian thực", ông LaPlante cho biết.

Danh sách khí tài viện trợ của Ukraine trong 17 tháng chiến sự ngày càng dài thêm, với hàng loạt xe tăng Đức, lựu pháo và pháo tự hành Mỹ, hệ thống phòng không Italia, phương tiện cơ giới Anh, Ba Lan, Canada và Pháp.

Số vũ khí và thiết bị quân sự sẵn sàng chiến đấu luôn là vấn đề lớn của Ukraine. Lực lượng Nga có kho dự trữ khổng lồ, nhanh chóng huy động cho chiến trường. Trong khi đó, Kiev chỉ có những kho chứa giới hạn với khí tài hàng chục năm tuổi. Đặc biệt, nhiều vũ khí phải chuyển tới Ba Lan và Czech để sửa chữa trước khi ra chiến trường.

Lực lượng Ukraine cũng nhiều lần bày tỏ lo ngại với những khí tài được phương Tây viện trợ, phần lớn được rút từ kho dự trữ của Mỹ và đồng minh, đòi hỏi bảo dưỡng và sửa chữa phức tạp trước khi đưa vào vận hành.

Cùng với chuyển trọng tâm vào việc sửa chữa vũ khí nhưng Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục cung cấp thêm vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine thông qua các gói viện trợ mới.

Theo tuyên bố của Bộ quốc phòng Mỹ hôm 17/7, Washington sắp công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 1,3 tỷ USD. Gói viện trợ mới dự kiến có vũ khí phòng không, hệ thống chống máy bay không người lái (UAV), UAV tự sát và đạn dược.

Số vũ khí này sẽ được mua bằng ngân sách trong chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), cho phép chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mua hàng từ các tập đoàn quốc phòng thay vì rút từ kho của quân đội.

Lô vũ khí sắp được Mỹ chuyển cho Ukraine có tổ hợp phòng không VAMPIRE do hãng L3Harris chế tạo. Hệ thống này có thể lắp trên các loại phương tiện thông thường như xe bán tải với cụm 4 ống phóng tên lửa dẫn đường bằng laser. VAMPIRE có thể tấn công mục tiêu trên bộ và trên không.

Gói vũ khí này còn có hai loại UAV tự sát, hay đạn tuần kích, là Phoenix Ghost và Switchblade. Ukraine cũng dự kiến nhận các tổ hợp chống UAV do hãng DroneShield của Australia sản xuất cùng radar, cảm biến và hệ thống phân tích.

Giới lãnh đạo Mỹ cho biết quyết định cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine phụ thuộc với thời gian chế tạo và số lượng có sẵn trong kho. Thành phần và trị giá của gói viện trợ có thể thay đổi trước khi được công bố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ