Chiến lược 'Đại dương xanh' trong phát triển du lịch

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 20/12, Trường ĐH Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học Chiến lược “Đại dương xanh” trong phát triển du lịch.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, TS Dương Thị Thanh Xuân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn – nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch và hoàn toàn có thể bứt phá trở thành một trung tâm du lịch của khu vực cũng như thế giới.

Hội thảo “Chiến lược "Đại dương xanh" trong phát triển Du lịch"nhằm mục đích tạo ra diễn đàn chia sẻ học thuật và kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thực tiễn về phát triển du lịch. Từ đó có những trao đổi, thảo luận nhằm đưa ra những kiến nghị phù hợp trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19. Rộng hơn là quá trình phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết của Bộ Chính trị.

PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, TS Trần Xuân Quang – Chánh Văn phòng, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình - cho rằng, nếu đẩy mạnh số lượng khách du lịch bằng mọi giá, mà không quan tâm đến vấn đề môi trường, thì sẽ không thể tạo nên được sự khác biệt. Đồng thời, không thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Bình nói chung và Sơn Đoòng nói riêng; thậm chí còn phá hoại cảnh quan, môi trường tự nhiên vốn có.

TS Trần Xuân Quang viện dẫn, dù giá tour không rẻ, 3.000 USD (khoảng 70 triệu đồng) cho chuyến đi 6 ngày, trong đó có 4 ngày thám hiểm hang Sơn Đoòng; tuy nhiên thám hiểm hang Sơn Đoòng hiện là một trong những tour du lịch khó book nhất Việt Nam. Du khách phải đặt chỗ trước nhiều tháng, thậm chí cả năm. Hiện tour đã kín lịch tới tháng 6/2023.

TS Trần Xuân Quang tham luận tại hội thảo qua hình thức trực tuyến.

TS Trần Xuân Quang tham luận tại hội thảo qua hình thức trực tuyến.

PGS.TS Lê Văn Tấn – Phó Trưởng Khoa du lịch, Trường ĐH Công đoàn – cho rằng, chiến lược đại dương xanh không nhất thiết phải “đao to búa lớn” hay giá tiền cao, mà chúng ta có thể “bắt tay” từ những điều giản dị, gần gũi với đời sống thường nhật.

Viện dẫn cách làm hiệu quả của một người dân ở TP Đà Nẵng, PGS.TS Lê Văn Tấn kể: Ông này rất khó chịu vì hành vi của du khách khi vứt rác bừa bãi. Hàng ngày, ông thường xuyên phải dọn dẹp, vệ sinh khu vực cổng nhà. Vì thế, ông ấy rất khó chịu. Một ngày, ông suy nghĩ, tại sao không để thùng kem trước cổng nhà để bán cho du khách. Vậy là ông đã biến cái khó chịu thành cái dễ chịu của mình từ việc bán 2 thùng kem trước cổng nhà.

PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn – nhìn nhận, du lịch mang lại nhiều lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế. Hơn nữa, du lịch có tiềm năng cải thiện mối quan hệ giữa các quốc gia hoặc doanh nghiệp. Đồng thời, mở ra cơ hội trao đổi văn hóa; cải thiện đời sống, phúc lợi xã hội và giáo dục, đào tạo.

PGS.TS Lê Văn Tấn - Phó Trưởng Khoa du lịch, Trường ĐH Công đoàn trao đổi tại hội thảo.

PGS.TS Lê Văn Tấn - Phó Trưởng Khoa du lịch, Trường ĐH Công đoàn trao đổi tại hội thảo.

Theo PGS.TS Lê Mạnh Hùng, sau đại dịch, hành vi và lối sống của mọi người thay đổi, dẫn đến nhu cầu về mọi mặt trong đời sống của họ đều thay đổi, bao gồm cả nhu cầu giải trí và du lịch. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch cần có những thay đổi trong cách tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thị trường. Chiến lược đại dương xanh chính là chìa khóa giúp ngành du lịch tái thiết và phát triển bền vững.

“Để bảo đảm tái thiết và phát triển du lịch bền vững, cần có linh hoạt trong chiến lược tiếp thị. Nó được xem xét ở hai khía cạnh. Đầu tiên, sự đổi mới của các phương tiện tiếp thị chủ yếu thông qua nhiều loại phương tiện truyền thông mới. Thứ hai, nội dung tiếp thị dựa trên sản phẩm và dịch vụ mới, thông qua quảng bá một cách có hiệu quả sản phẩm du lịch mới để nâng cao uy tín của thương hiệu” - PGS.TS Lê Mạnh Hùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.