Chiến công hiển hách của người Việt trên đất Cao Ly

GD&TĐ - Sau khi sang Cao Ly ẩn thân, hoàng tử Lý Long Tường đã từng bước lập nghiệp tại quốc gia này.

Một cảnh của vở Cải lương “Hoàng Thúc Lý Long Tường”.
Một cảnh của vở Cải lương “Hoàng Thúc Lý Long Tường”.

Khi Cao Ly bị người Mông Cổ xâm chiếm, ông đã chiêu tập dân chúng, xây dựng nghĩa quân, đánh bại kẻ thù.

Cuộc đổi ngôi lịch sử

Triều Lý được thành lập vào năm 1009 khi đình thần nhà Tiền Lê suy tôn Điện Tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên làm vua. Một năm sau, Thái tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội).

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, sau hơn 200 năm trị vì, trải qua nhiều đời vua anh minh như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, đến đời Lý Thần Tông triều đại này bắt đầu suy yếu. Đến năm 1225, lợi dụng khi triều Lý suy yếu, vua Lý Huệ Tông lại không có con trai, phải nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng, Thái sư Trần Thủ Độ đã nhân đó giành lấy ngai vàng về cho dòng họ mình bằng một cuộc hôn nhân được sắp sẵn, ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi lại cho chồng là Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông sau này). Vậy là triều Lý kết thúc, nhà Trần chính thức được thành lập.

Sau khi có được ngôi vương, để bảo vệ lợi ích cho dòng tộc, Trần Thủ Độ và quý tộc nhà Trần đã tiến hành nhiều biện pháp để củng cố thế lực dòng họ, loại bỏ quý tộc, dòng dõi của nhà Lý ra khỏi triều đình. Nhiều hậu duệ của nhà Lý đã bị tiêu diệt, bị đem đi đày ở những nơi xa xôi, phải đổi sang họ khác.

Cuốn Kỷ yếu “Hội thảo quốc tế Việt - Hàn” cho biết “họ Lý không những mất ngôi vua mà theo kế sách của Trần Thủ Độ, người họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn, năm 1232 sai đào hố ngầm để giết hại tôn thất họ Lý khi tụ tập về làm lễ tế tổ ở Hoa Lâm…”.

Theo tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường của nhà nghiên cứu phương Đông cổ điển đồng thời là nhà văn Khương Vũ Hạc (Kang Moo Hak, 1910 - 1994), khi con cháu dòng họ Lý phải ly tán, người đi xa nhất là Kiến Bình vương Lý Long Tường - người sau này đã lập nên những chiến công hiển hách trên đất Cao Ly (tên cũ của Hàn Quốc và Triều Tiên ngày nay).

Kiến Bình vương Lý Long Tường sinh năm Giáp Ngọ 1174, là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông (trị vì 1138 - 1175) và Hiền phi Lê Mỹ Nga, ông là em vua Lý Cao Tông và là chú vua Lý Huệ Tông.

Lớn lên khi vương triều Lý đang suy vong và trong cung đình diễn ra nhiều biến cố dồn dập dẫn đến sự sụp đổ của triều. Trước những thảm họa đó, Lý Long Tường cùng một số tôn thất nhà Lý đã tìm cách vượt biển ẩn tránh ra nước ngoài.

chien-cong-hien-hach-cua-nguoi-viet-tren-dat-cao-ly-1.jpg
Lễ trao tộc phả cho dòng dõi hoàng tử Lý Long Tường. Ảnh: ITN.

Chiến công trên đất Cao Ly

Năm 1226, sau khi than khóc ở miếu Nam Bình, Lý Long Tường đem đồ tế chạy về phía Đông, vượt biển đến sông Phú Lương huyện Ủng Tân nước Cao Ly, ẩn ở Trấn Sơn phía Nam phủ thành, đặt hiệu Vi Tử động.

Tương truyền, trước đó vua Cao Tông của Cao Ly nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, vì vậy, ông lệnh cho quan lại địa phương tiếp đón ân cần, và đồng ý cho Lý Long Tường ở lại dung thân.

Tại đây, Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi. Ông cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và Giảng võ đường dạy võ (binh pháp, võ thuật). Học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên nghìn người.

Bấy giờ, đế chế Mông Cổ đang phát triển mạnh mẽ và mở rộng chinh chiến, xâm lược Bắc Trung Quốc, chinh phục Trung Á, Tây Á và Đông Âu.

Năm 1232, Đại hãn Mông Cổ là Oa Khoát Đài đem quân tiến đánh Cao Ly bằng hai đường thủy bộ. Về đường thủy, quân Mông Cổ vượt biển tiến đánh tỉnh Hoàng Hải nhưng bị Lý Long Tường lãnh đạo tướng sĩ, gia thuộc và quân dân địa phương đẩy lui. Khi ra trận, ông thường cưỡi ngựa trắng đôn đốc quân sĩ, dân chúng gọi ông là Bạch Mã Tướng quân.

Dù thất bại nhưng âm mưu xâm lược của người Mông Cổ vẫn còn nguyên. Năm 1253, quân Mông Cổ lại tấn công Cao Ly lần thứ 2, đánh vào quốc đô và một cánh quân đánh vào Ủng Tân. Trước nguy cơ ngoại xâm, Lý Long Tường đã lại tiếp tục đứng ra tổ chức kháng chiến, cùng với quan quân trong phủ thành và nhân dân địa phương chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Sau 5 tháng, quân Mông Cổ thua to, phải xin hàng.

Sử sách ghi chép rằng: “Đời Ân Hiếu Vương nước Cao Ly, năm Quý Sửu (1253), đại quân Mông Cổ đến, trước đánh vào quốc đô, vua phải lánh ra đảo Giang Hoa. Quân địch lại tràn ra phía Tây, đánh Ủng Tân, thế rất nguy cấp. Ông (tức Lý Long Tường) bèn vì nghĩa khí, quyết đem quân ra khỏi thành cùng với quân trong phủ, trao phương lược cho các quân.

Giao chiến 5 tháng, quân địch thua to, chúng nói là muốn hàng, đem biếu 5 hòm vàng. Ông đoán biết mưu gian, sai khoét hòm, dội nước sôi vào, cả 5 tên thích khách cầm gươm sẵn trong hòm đều bị chết, rồi sai bịt kín lại và gửi trả. Quân Mông Cổ sợ lắm, liền xin hàng, thu quân rút chạy.

Nghe việc ấy, vua rất khen ngợi, sai đổi Trấn Sơn làm Hoa Sơn. Lại lấy đất 30 dặm vuông, nhân khẩu của 20 hộ, cho ông làm thái ấp để phụng thờ tổ tiên. Lại sai dựng cửa gọi là Thụ hàng môn, lập biển ghi công trạng để biểu dương công huân, tức cửa thứ ba phía ngoài dinh quán này. Con cháu đời đời ở đô, nhập tịch Hoa Sơn”.

Theo sử sách, Lý Long Tường đã dùng binh pháp của Đại Việt để đánh bại quân Mông Cổ. Sau chiến công này, vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Tướng quân. Nơi quân Nguyên Mông đầu hàng gọi là “Thụ hàng môn”. Đồng thời, vua Cao Ly cũng cho lập bia tại đây để ghi công ông (di tích này hiện nay vẫn còn).

Với người dân Cao Ly, Lý Long Tường xứng đáng là một vị anh hùng. Hiện hay, tại Hoa Sơn (Triều Tiên) vẫn còn lưu giữ nhiều di tích mang dấu ấn chiến công của Lý Long Tường như khu dinh quán, thành lũy, mộ của ông vẫn còn ở phía Tây phủ thành Ủng Tân, dưới chân núi Di Ất. Từ khi Lý Long Tường đến định cư ở Cao Ly, họ Lý đã truyền được 26 đời. Con cháu nhiều người học giỏi, đỗ đạt làm quan, giữ cương vị cao trong triều. Hậu duệ đời thứ 25 của hoàng thân Lý Long Tường là Lý Thừa Vãn từng trở thành Tổng thống của Hàn Quốc và nhiều người thành đạt trên lĩnh vực kinh doanh. Các nhà sử học ở nước ta đã nhiều lần đối chiếu sử liệu ở Hàn Quốc và Việt Nam để khẳng định Hoàng thúc Lý Long Tường chính là Hoàng tử con trai vua Lý Anh Tông, em vua Lý Cao Tông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vĩ Hào sẽ trở lại thi đấu trong hơn một tháng tới.

Tin vui từ sao trẻ tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Tiền đạo Bùi Vĩ Hào có thể sớm trở lại thi đấu trong giai đoạn tới và kịp dự lượt trận thứ hai vòng loại cuối Asian Cup 2027.