Một chiếc móng vuốt máy xúc ở vùng cấm Chernobyl được cho là có độ phóng xạ cao tới mức chỉ cần chạm vào cũng đủ gây chết người. Cỗ máy bị bỏ lại trong khu rừng ở ngoại ô thành phố Priyat sau khi dùng để dọn dẹp rác thải từ thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Một số khách tham quan vùng cấm quanh nhà máy đã tìm thấy chiếc móng vuốt, trong đó có nhà khảo cổ học kiêm chuyên gia về Chernobyl Rob Maxwell.
Theo Maxwell, thiết bị này rất nguy hiểm. Cách đây 33 năm, chiếc móng vuốt đã tiếp xúc với các vật liệu cực độc hại. Graphite và thanh nhiên liệu bắn ra khi lò phản ứng phát nổ, rải rác trên những nóc nhà gần đó và chiếc móng vuốt được dùng để dọn dẹp tất cả.
Maxwell đã tiến hành nghiên cứu trong hai chuyến đi tới vùng cấm vào năm 2010 và 2011. Khi trông thấy chiếc móng vuốt, anh đã dùng máy đo phóng xạ cầm tay để đo thử trước khi nhanh chóng rút lui. Kết quả đo cho thấy lượng phóng xạ của nó vẫn ở mức cao sau 33 năm.
Maxwell cho biết lượng phóng xạ bám trên thiết bị này ở mức 39,80 microsieverts, so với mức bình thường là 0,17. Theo Hệ đo lường quốc tế, sievert là đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ ion hóa có thể gây tổn hại.
Thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xảy ra vào sáng sớm ngày 26/4/1986 do điện áp tăng vọt dẫn tới hàng loạt vụ nổ, giải phóng lượng bức xạ mạnh hơn 400 lần so với quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima.
Theo Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ tử vong từ vụ nổ là 4.000 người. 350.000 người ở các khu vực xung quanh không kịp sơ tán trong vòng 36 giờ sau vụ nổ.
Hơn 5 triệu người sống trên đất đai nhiễm phóng xạ quanh vùng. Lượng phóng xạ ở vùng cấm vẫn quá cao để con người có thể sinh sống, nhưng một số loài động vật hoang dã đã quay trở lại khu vực này.