Chia sẻ nuôi dạy con thấm thía của các mẹ trên Facebook tuần qua

Những bài học giản dị nhưng thấm thía như một lời nhắc nhở các bố mẹ về những điều nhỏ nhất khi nuôi dạy con đã được các mẹ quan tâm và chia sẻ nhiều trên facebook tuần qua.

Chia sẻ nuôi dạy con thấm thía của các mẹ trên Facebook tuần qua
Tặng con thời gian đi, ba mẹ ơi - Facebook mẹ Thu Hà

Một lời nhắn nhủ của tác giả nhân dịp 1/6 dành cho tất cả những người làm cha, làm mẹ vô cùng thấm thía và sâu sắc. Theo tác giả, món quà mà trẻ em muốn cha mẹ mình tặng nhận dịp tết Thiếu Nhi chính là thời gian là sự thấu hiểu của cha mẹ. Hãy dành thời gian để học cách làm cha mẹ, để nuôi dạy con đúng cách, để quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu mong muốn của con mình chứ không phải của cha mẹ.

Chia sẻ dạy con trên facebook 1
Ảnh chụp màn hình facebook của tác giả.

Chị Thu Hà chia sẻ: "Trong một khóa tôi đã học có bài tập trở về tuổi thơ. Và trong số đó có một câu hỏi: "Tôi muốn cha mẹ tôi..."

Trong nhóm, 2 người đóng vai cha mẹ, một người đóng vai con nói lên mong muốn của mình. Nhóm của tôi mọi người cứ lần lượt nói. "Tôi muốn mẹ tôi không đi trực đêm nữa". "Tôi muốn cha tôi lắng nghe tôi hơn". "Tôi muốn cha mẹ tôi đừng cãi nhau trước mặt tôi"."Tôi muốn cha mẹ tôi ly hôn". "Tôi muốn cha mẹ tôi là người khác".

Hôm đó, tôi đã khóc nức lên khi nghe người bạn chia sẻ điều đó. Lần nào tới lượt, bạn ấy cũng nói 1 câu đó, (khi còn nhỏ) "Tôi muốn ba mẹ tôi là người khác".

Cảm giác muốn thay ba mẹ mình là một ba mẹ khác nó đau đớn và tuyệt vọng khủng khiếp. Có ai chọn được nơi mình sinh ra? Có ai có thể thay ba mẹ là một người khác được?

Vậy thì, có những điều mình cho là mình đang yêu con, đang sống vì con, thì ở phía người nhận, ở phía đứa con, nó lại không phải là như vậy!

Khoảng cách thế hệ thật là khắc nghiệt. Nhất là đối với những bố mẹ 6x-7x-8x của chúng ta. Xã hội thay đổi quá nhanh, những điều quan trọng, cấp thiết của ngày mình còn nhỏ, hầu như không xài lại được hiệu quả với con mình. Thời xưa, tuổi thơ đói ăn triền miên làm cho ba mẹ thường đề quá nhiều thời gian và tâm sức để ép con ăn, trẻ đã dư cân vẫn bị ép ăn.

Thời xưa, ít người được học hành tới nơi tới chốn, nên giờ ba mẹ ra sức cho con đi học tối ngày, học sớm, học trước, học thêm, học sáng học trưa học tối. Thời xưa vất vả ra đời tự lập từ con số 0, nên giờ nhiều ba mẹ ráng cày bừa kiếm tiền cho con làm vốn trước khi ra đời, ráng kiếm cho con cái nhà, kiếm cho con vài trăm triệu để dành khi đi xin việc..."

Bài học về cách giao tiếp cùng con - Facebook mẹ Miu Xinh

Lại là một câu chuyện tăng quà nhân dịp 1/6. Tặng quà cho con tưởng dễ, nhưng để tặng quà đúng cách, để dạy cho con được bài học từ việc đó thật không dễ chút nào. Trong status trên facebook này, mẹ bé Bin đã chia sẻ một câu chuyện rất giản dị trong cách nuôi dạy con, cho thấy rằng việc giao tiếp với con,để con hiểu và chấp nhận mọi việc là rất quan trọng.

Chia sẻ dạy con trên facebook 2
Ảnh chụp màn hình facebook của tác giả.

Mẹ Miu Xinh chia sẻ câu chuyện của mình: "Trước khi ăn tối, mẹ và Bin đã cùng nhau vào thăm gian hàng đồ chơi của My Kingdom ở Vincom. Vốn là một fan cuồng của ô tô, con mê mẩn những chiếc ô tô ở đây. Lúc đầu, con xin mẹ mua cho ô tô đua, ô tô cảnh sát, ô tô con. Mẹ đã từ chối con với lý do: "Ở nhà con đã có rất nhiều ô tô loại này rồi, không nên mua thêm nữa". Nhưng đến khi con bê ra một chiếc ô tô chở rác và nói: "Con thích ô tô chở rác này lắm. Mẹ Miu mua cho con đi", thì mẹ không thể đưa ra lý do cũ được vì ở nhà con chưa có loại xe này.

Tuy không chắc rằng con có thể thực sự hiểu điều mẹ sẽ nói, nhưng mẹ quyết định sẽ nói với con một lý do mà mẹ nghĩ là nên dành cho trẻ ở tuổi lớn hơn. Mẹ bảo: "Chiếc ô tô này rất đắt tiền. Mẹ không mang đủ tiền mua đâu". Mẹ thật bất ngờ vì con tỏ ra là một đứa trẻ rất hiểu biết. Con chỉ hỏi lại:"Mẹ Miu không mang đủ tiền mua ô tô này à?". Mẹ gật đầu xác nhận :"Ừ, mẹ không đủ tiền mua nó đâu. Mình trả lại chiếc ô tô này vào vị trí cũ nhé". Con tần ngần ngắm chiếc ô tô trên tay một lúc rồi nghe lời mẹ trả lên kệ. Con không năn nỉ, không lèo nhèo, không giận dỗi, không khóc lóc, không ăn vạ, và cũng không hề đòi mẹ mua thêm bất kỳ món gì nữa.

Sau đó, mẹ hướng con sang khu bán đất nặn và cho con chọn một bộ đất nặn mà con thích. Ngồi xuống ngang tầm con và nhìn vào mắt con, mẹ nói: "Hộp đất nặn này là để dành cho những em bé không khóc nhè. Mẹ tặng cho con vì hôm nay con đã rất ngoan, không khóc nhè, không đòi mẹ mua đồ chơi. Mẹ rất vui vì Bin đấy". Con có vẻ bất ngờ về những điều mẹ nói và lắng nghe rất chăm chú. Theo từng lời của mẹ, gương mặt con vui dần lên, và cuối cùng trở nên rạng rỡ. Trong đôi mắt và nụ cười của con còn ánh lên niềm tự hào, hãnh diện nữa. "

Người lớn hành xử theo cách có lợi nhất cho họ - Facebook TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh

Như một lời cảnh cáo đối với những người lớn chúng ta, hãy nghĩ đến lợi ích và tâm trạng của đứa trẻ trước khi chỉ nghĩ cho bản thân mình.

Chia sẻ dạy con trên facebook 3
Ảnh chụp màn hình facebook của tác giả.

TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh viết: "Những câu chuyện học đường và hậu học đường - những con người bị hy sinh, hắt hủi hoặc đơn giản là bị bỏ qua vì một cái chung nào đó tròn trịa, đẹp đẽ, cao cả. Mình nhớ một người bạn xinh đẹp, tài năng phạm một lỗi nông nổi, nhà trường cho nghỉ học, bất chấp việc trước đó cô ấy đóng góp nhiều cho thành tích của trường.

Mình biết có đứa trẻ hơi khác thường so với bạn khác, học không khá lắm, cô giáo năm lần bảy lượt động viên... bố mẹ chuyển trường cho bạn nhỏ. Người lớn hành xử vẫn theo cách an toàn nhất cho họ, để giữ thanh danh, thành tích cho tập thể, không màng đến số phận của đứa bé ấy sẽ ra sao.

Một ngôi trường tốt phải là ngôi trường nỗ lực hết lòng vì một đứa trẻ, bảo vệ một đứa trẻ, lo lắng cho một đứa trẻ! Hiểu biết quy luật phát triển chung nhưng nhìn thấy từng cá nhân, trân trọng sự hiện hữu của đứa trẻ chứ không phải chỉ nhìn thấy một tập thể!"
Theo afamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.