(GD&TĐ) - Là tỉnh miền núi, vùng cao biên giới, được chia tách, thành lập năm 2004, dân số Lai Châu trên 39 vạn người. HS dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh chiếm tỷ lệ lớn - 88,5%, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, còn 31.82%, do vậy nguồn lực huy động đầu tư cho giáo dục còn gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên chất lượng giáo dục Lai Châu vẫn ổn định và nâng cao, tỉ lệ HS thi đỗ ĐH, CĐ năm qua đạt gần 30%, tăng 1,2% so với năm trước. Ông Lê Xuân Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã trả lời phỏng vấn báo GD&TĐ về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho sự nghiệp trồng người của tỉnh đã và đang khởi sắc?
- Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Lai Châu luôn dành cho giáo dục sự quan tâm đặc biệt. Bởi chỉ khi giải quyết tốt bài toán chất lượng giáo dục thì mới có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nhưng điều mà cá nhân tôi tâm đắc nhất đó là hàng loạt chính sách dành cho giáo dục dân tộc ra đời kịp thời đã đem đến cho sự nghiệp trồng người của tỉnh một luồng sinh khí mới. Chẳng hạn, Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND ngày 13/1/2012 của UBND tỉnh về quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú tại các trường THPT. Vì vậy, Lai Châu đến nay là tỉnh duy nhất trong cả nước thực hiện chế độ hỗ trợ cho toàn bộ HS THPT bởi nhiều tỉnh thành khác cũng chỉ hỗ trợ cho những HS thuộc xã, huyện đặc biệt nghèo mà thôi. Cũng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của tỉnh cho HS mà tỉ lệ HS dân tộc đỗ tốt nghiệp THPT năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến học sinh bán trú.
So với các tỉnh trong Vùng 1 thì Lai Châu là địa phương làm rất tốt công tác chăm nuôi cho HS dân tộc. Phó Chủ tịch có thể chia sẻ công tác này với bạn đọc của Báo?
- Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh, năm học 2012 - 2013 tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT chuyển HS thuộc các khối lớp 3, 4, 5 ở các điểm bản về điểm trường trung tâm để học tập. Các em HS này được hưởng chế độ bán trú. Đồng thời các trường cũng đã làm tốt hơn việc tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh ăn, ở tập trung tại trường.
Thầy và trò Trường PTDTBT Nậm Xe- Phong Thổ Ảnh B.K |
Năm học này, toàn tỉnh đã thành lập được 52 trường phổ thông dân tộc bán trú với 13.914 HS (trong đó có 10 trường tiểu học, 4485 học sinh; trường 42 trường THCS, 9429 học sinh). Một đặc thù ở giáo dục Lai Châu đó là trường có HS ở bán trú nhưng không phải trường phổ thông dân tộc bán trú nhiều tới 142 trường với 9495 HS (trong đó tiểu học 50 trường với 2625 HS; THCS 76 trường với 4434 HS; THPT 16/16 trường với 796 HS ở trong trường; ngoài ra còn 1640 học sinh được hưởng chế độ bán trú phải đi ở trọ, ở nhờ).
Việc tỉnh xây dựng thành công mô hình bán trú ở các huyện đã có tác dụng tích cực như duy trì sĩ số, tăng tỷ lệ đi học chuyên cần, chất lượng giáo dục được nâng lên, HS được tham gia các chương trình ngoại khóa, vui chơi, giáo dục kỹ năng sống; đặc biệt, việc hợp tác theo nhóm, giao tiếp bằng tiếng Việt, giao lưu với các khối lớp đã tạo sự tự tin, bạo dạn cho học sinh vốn là trẻ em dân tộc thiểu số nhút nhát, ngại tiếp xúc người lạ. Hiện toàn ngành Giáo dục Lai Châu có 19.980 HS bán trú.
Công tác bán trú của ngành giáo dục Lai Châu, công tác quản lý, chỉ đạo “ba tập trung” như các trường đã khắc phục khó khăn để có nhà ở tập trung cho HS, ăn tập trung và quản lý tập trung với phương châm giúp các em có “6 hơn ở nhà” “ăn ngon hơn, vui hơn, an toàn hơn, lao động tốt hơn, ở tốt hơn và học tập tốt hơn”.
Điều rất đáng mừng là nhiều trường đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng yêu nghề, yêu HS của đội ngũ cán bộ, GV và làm tốt công tác xã hội hoá để tổ chức tốt mô hình: trường phổ thông dân tộc bán trú như xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, xã Nậm Sỏ ,huyện Tân Uyên, xã Pa Vệ Sủ, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè... Bên cạnh việc tổ chức nấu ăn, một số trường quan tâm tới việc tăng gia sản xuất, rèn kỹ năng sống cho HS thông qua các hoạt động nội vụ, tập thể như trồng rau, nuôi lơn…vv.
Để sự nghiệp GD&ĐT của địa phương có bước phát triển vững chắc, còn khó khăn nào tỉnh cần tập trung giải quyết dứt điểm trong thời gian tới?
- Sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh đã có những khởi sắc và bước đầu đem lại hiệu quả thông qua các chính sách kịp thời của Nhà nước và địa phương. Nhưng bên cạnh đó, sự nghiệp GD&ĐT Lai Châu cũng đang đứng trước những khó khăn. Tỉ lệ huy động HS đến trường và duy trì sĩ số chưa ổn định. Số lượng học sinh các bậc học phát triển không đều. HS đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, thi đỗ vào các trường đại học còn thấp và khiêm tốn, chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa bền vững; số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt thấp. HS bỏ học tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Đội ngũ GV các ngành học, bậc học cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn theo quy định nhưng một số còn yếu về chuyên môn. Một bộ phận cán bộ quản lý trình độ còn hạn chế.
Cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học còn thiếu và bất cập. Hiện nay, toàn tỉnh còn thiếu 1.700 phòng học; còn 1.391 phòng học tạm, tập trung ở Sìn Hồ và Phong Thổ, 309 phòng học nhờ (Tam Đường, Tân Uyên và Phong Thổ) và còn thiếu khoảng 1.070 phòng công vụ cho GV. Thiết bị dạy học ở các ngành học, bậc học thiếu nhiều: 1254 bộ TBDH, đồ chơi mầm non 5 tuổi; 65 phòng học ngoại ngữ đa chức năng; 84 bộ TBDH tối thiểu cấp THCS và nhiều giường nằm, trang thiết bị cho học sinh. Còn cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng và bảo quản các TBDH đã được trang bị chưa tốt. Bên cạnh đó: Việc xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Trường thiếu các phòng học bộ môn, khối nhà hành chính quản trị, khối nhà phục vụ học tập. Hiện toàn tỉnh chưa có trường THPT nào đạt chuẩn quốc gia.
Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 với tổng số vốn 289.569 triệu đồng với mục tiêu xây dựng 1.432 phòng học và 772 phòng công vụ cho giáo viên.
Tuy nhiên, với số vốn Chính phủ giao, tỉnh Lai Châu chỉ triển khai thực hiện được khoảng 50% số phòng học và phòng công vụ của Chương trình. Nguyên nhân chủ yếu là do trong giai đoạn thực hiện Đề án có nhiều biến động tăng về giá nhân công và vật liệu xây dựng; bên cạnh đó, địa điểm đầu tư xây dựng phòng học, nhà công vụ tập trung ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn dẫn đến suất đầu tư cho công trình của tỉnh cao hơn nhiều so mặt bằng chung của cả nước và phân bổ nguồn vốn của Trung ương. Vấn đề này chúng tôi đã có báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nhưng hiện chưa có giải pháp tháo gỡ.
- Hiện Lai Châu có 417 trường (trong đó mầm non 135; tiểu học 139; THCS 112, THPT 16; có 2 trường PTDTNT tỉnh, 6 trường PTDTNT huyện; TTGDTX 7); có 117.598 học sinh (HS dân tộc 103.506, nữ 54.610 em); giáo viên 9.813. - Lai Châu đạt chuẩn quốc gia về Phổ cập tiểu học - Chống mù chữ vào năm 2000; đạt chuẩn quốc gia về phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS vào năm 2009; hiện có 44 xã, thị trấn đạt chuẩn về Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. - Toàn tỉnh có 45 trường đạt chuẩn quốc gia. Riêng THPT chưa có trường nào đạt chuẩn. |
Việt Hoa (Thực hiện)