Chỉ số IQ phụ thuộc vào ký sinh trùng?

Chỉ số IQ phụ thuộc vào ký sinh trùng?
Chỉ số IQ phụ thuộc vào ký sinh trùng? ảnh 1

Nhóm 3 nhà khoa học Mỹ Christopher Eppig, Corey Fincher và Randy Thornhill, thuộc Đại học New Mexico, cho rằng chống nhiễm khuẩn ký sinh từ khi còn nhỏ sẽ giúp cho thể lực các em bé khoẻ mạnh và tăng cường năng lượng có giá trị để phát triển não bộ. Nhiều ký sinh trùng cũng có nghĩa là não bộ bị kìm hãm phát triển và khả năng tư duy bị hạn chế.

Để kiểm chứng ý tưởng gây tranh cãi này, bộ ba nhà nghiên cứu đã tiến hành thu thập chỉ số thông minh trung bình của tất cả các nước trên thế giới, sử dụng 3 nhóm dữ liệu riêng biệt. Họ cũng sử dụng dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sự giảm thiểu chức năng con người theo tuổi tác của các nước (DALYs). Đây là một tiêu chuẩn đánh giá về gánh nặng của dịch bệnh đặt lên mỗi quốc gia thông qua theo dõi số năm sống vui tươi khoẻ mạnh của một công dân bị mất dần đi do sức khoẻ kém. Kết quả cho thấy có sự tương quan rõ giữa hai chỉ số này, ở từng đất nước và mỗi lục địa.

Các nhà khoa học cho rằng khả năng kiểm soát bệnh truyền nhiễm chính là biện pháp hữu hiệu nhất để dự báo về chỉ số IQ bình quân quốc gia. Dù cho các yếu tố khác đã được điều chỉnh như nhiệt độ trung bình, thu nhập quốc dân GDP, tỷ lệ người biết đọc biết viết, trình độ học vấn và các yếu tố liên quan khác. Họ cũng cho rằng điều này có thể giúp giải thích về hiệu ứng Flynn bí ẩn, cho thấy chỉ số IQ trung bình của người dân tăng mạnh trong giai đoạn một quốc gia đang phát triển.

Thông tin này rõ ràng không kết luận bệnh dịch là nguyên nhân cốt lõi. Mối liên kết giữa dịch bệnh và chỉ số IQ không nói với chúng ta rằng những người bị nhiễm một căn bệnh truyền nhiễm nào đó thì khi lớn lên sẽ kém thông minh, hoặc ngược lại một người thông minh thì ít nhiễm bệnh dịch.

Trí tuệ, sau cùng có thể ảnh hưởng đến hiểu biết của một người về bệnh dịch là gì, làm thế nào để phòng tránh và khi bị nhiễm trùng thì tìm kiếm sự trợ giúp ở đâu. Và nhân tố thứ 3 có lẽ biểu hiện rõ nhất, trình độ học vấn cao có thể dẫn đến cả thông minh hơn và đủ hiểu biết để phòng tránh lây nhiễm các bệnh dịch thông thường.

Những vấn đề này trở nên đặc biệt rõ nét khi xem xét mối tương quan giữa số liệu thống kê phản ánh tình hình toàn diện của các quốc gia. Phương pháp tiếp cận "sinh thái học" này không cho chúng ta nhìn nhận ở cấp độ cá nhân. Tuy vậy, vẫn chưa ai lý giải được tại sao ở một đất nước có nhiều trẻ em bị mắc bệnh truyền nhiễm thì những người dân có chỉ số IQ trung bình thấp hơn.

Nói về kết quả nghiên cứu này khá bất ngờ này, nhóm 3 nhà khoa học Eppig, Fincher và Thornhill cho biết: "Chúng tôi không nói rằng sự khác nhau về chỉ số thông minh chỉ duy nhất do tác động của ký sinh trùng gây ra".

Các số liệu dẫn chứng đã đủ để hỗ trợ cho giả thuyết nhưng chưa dẫn đến kết luận..Và nhóm nghiên cứu cũng trình bày rằng giả thuyết này chỉ như một tiền đề gợi mở cho các nghiên cứu tiếp theo.

Vũ Anh Tú (theo Discover Magazine)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ