Chi phí bao nhiêu để sang Nhật Bản làm việc?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Theo khảo sát số tiền nộp và số vay nợ trung bình của thực tập sinh kỹ năng Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản là 670.000 yen (khoảng 120 triệu đồng).

Lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Colab
Lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Colab

Số tiền mà lao động Việt Nam phải vay nợ để sang Nhật Bản lao động cao hơn Trung Quốc, Campuchia và cao gấp 4 lần Philippines.

Miền đất hứa

Ngoài vấn đề về hồ sơ thủ tục, điều kiện, công việc, mức lương thì chi phí đi xuất khẩu Nhật Bản cũng nhận được sự quan tâm của nhiều lao động có dự định tới quốc gia này làm việc.

Theo khảo sát số tiền nộp và số vay nợ trung bình của thực tập sinh kỹ năng Việt Nam khi đi làm việc tại Nhật Bản là 670.000 yen (khoảng 120 triệu đồng). Đây là mức cao nhất trong 15 nước phái cử lao động sang Nhật Bản.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH những năm gần đây cho thấy, số lao động sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại nước này.

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản được đánh giá cần cù, chăm chỉ và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hơn 70% lao động Việt Nam được khảo sát cho biết hài lòng với công việc và đều mong muốn được học hỏi thêm khi làm việc tại nước này.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn lao động Việt đang gặp phải là chi phí để đi làm việc hiện ở mức cao, không đúng với các quy định. Điều này cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động Việt bỏ trốn ra ngoài cũng ở mức cao.

Một nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của ILO liên quan đến chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, thực tế lao động di cư Việt Nam phải trả đến 192 triệu đồng (tương đương 8.000 USD) để được tuyển dụng một công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản.

Việc trả phí tuyển dụng cao làm tăng tính dễ bị tổn thương của người lao động khi họ phải trả nợ trong vài tháng và đôi khi là vài năm, thậm chí một số trường hợp bị vướng vào mua bán người.

Chi phí quá cao

Bà Ingrid Chriestensen - Giám đốc ILO Việt Nam - cho hay, theo tính toán của ILO, hiện mỗi năm lao động Việt Nam tại Nhật Bản gửi về nước khoảng 3 tỉ USD kiều hối. Nhưng chi phí người lao động Việt Nam phải trả để đi làm việc tại Nhật như thống kê nêu trên là rất cao. Do vậy, Việt Nam và Nhật Bản cần giảm chi phí liên quan đến hợp tác lao động.

Được biết, hiện tại, Việt Nam và Nhật Bản đang phối hợp để giảm chi phí người lao động phải đóng về mức “zero”. Theo bà Ikeda Setsuko, Chủ tịch Hiệp hội Thân thiện Quốc tế Nhật Bản (JIFA) thì “dự án phí Zero” đã triển khai ở Hà Tĩnh từ năm 2014 và đến nay hỗ trợ cho khoảng 600 thực tập sinh có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh này. Dự án lựa chọn mỗi huyện 2 học sinh xuất sắc và hỗ trợ học phí trong 4 năm từ lớp 9 cho đến hết THPT và hiện thực hóa ước mơ đến Nhật Bản mà không phải vay nợ...

Tại diễn đàn giao lưu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản năm 2023, đánh giá về chương trình hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), ông Phạm Viết Hương cho biết, từ năm 2013, số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản tăng mạnh (từ 10.200 năm 2013 lên 82.700 năm 2019), trước Covid-19, tăng hơn 8 lần. Riêng năm 2022, có gần 68.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản, chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài. Tuy nhiên, chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản thời gian qua vẫn còn một số tồn tại như thực tập sinh, lao động bỏ hợp đồng, vi phạm pháp luật Nhật Bản, thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định, thực tập sinh mất tiền cho đối tượng trung gian, môi giới. Một số đối tác Nhật Bản yêu cầu công ty phái cử trả tiền hoa hồng khi tiếp nhận thực tập sinh hoặc không thanh toán các khoản phí quản lý, phí phái cử theo thỏa thuận…

Lưu ý cần thiết

Để giảm chi phí cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, theo ông Hương, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14) đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật, thu tiền môi giới của người lao động, thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định.

Với những thực tập sinh kỹ năng, hộ lý, lao động đặc định (người lao động tới Nhật Bản làm việc theo diện visa) khi đi làm việc tại Nhật Bản không phải trả tiền môi giới, tiền ký quỹ, tiền giáo dục định hướng.

Người lao động chỉ phải trả tối đa 1 tháng lương theo hợp đồng/1 năm làm việc, tối đa không quá 3 tháng lương và được trừ đi phần phí quản lý, phí dịch vụ do bên tiếp nhận chi trả. Đối với tiền đào tạo nghề, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản, người lao động chỉ chi trả một phần theo quy định, đối với lao động đặc định thì bên tiếp nhận hỗ trợ toàn bộ.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm, để không bị mất phí đi Nhật quá cao so với thị trường, người lao động cần tìm hiểu thật chi tiết từng khoản chi phí xuất khẩu lao động sang Nhật.

Những khoản chi phí mà người lao động phải trả khi sang Nhật làm việc có thể kể đến gồm: Chi phí khám sức khỏe đi Nhật; Chi phí học tạo nguồn trước khi đăng ký đơn hàng; Phí dịch vụ; Chi phí học tiếng Nhật để đi xuất khẩu; Chi phí đi xuất khẩu Nhật Bản: Đào tạo tay nghề (nếu có); Phí môi giới đi Nhật làm việc.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, người lao động nên đăng ký đi Nhật làm việc tại công ty uy tín được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động. Trực tiếp tìm hiểu chương trình việc làm tại Nhật Bản như hồ sơ thủ tục, chi phí, công việc thực tế tại Nhật, mức lương… Không nên tìm hiểu qua trung gian hay môi giới. Cảnh giác trước thông tin tuyển dụng cò mồi dẫn dắt…

Song song đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để giảm chi phí cho người lao động, các công ty tư nhân cần cải thiện môi trường tiếp nhận, chi trả chi phí dịch vụ, các doanh nghiệp dịch vụ không để môi giới can thiệp vào quá trình tuyển dụng và tuân thủ quy định pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Kim Sang Sik chính thức nhận lời dẫn dắt tuyển Việt Nam.

AFC đưa tin về HLV Kim Sang Sik

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) mới đây đã đăng tải bài viết đưa tin về việc VFF bổ nhiệm ông Kim Sang Sik làm HLV trưởng các đội tuyển Việt Nam.
Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ITN

Bài học giá trị cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Nhiều nhà khoa học, giảng viên đã thảo luận phương thức GD HSSV về ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng trong GD quốc phòng và an ninh hiện nay.