Ngày 23/11, trên kênh Telegram, chỉ huy lực lượng đặc biệt Akhmat (Cộng hòa Chechnya) Apti Alaudinov cho biết, mùa đông năm nay sẽ mang tính quyết định. Vào mùa xuân, đối phương chắc chắn sẽ bắt đầu đàm phán với Nga.
Ông Alaudinov bày tỏ quan điểm rằng các cuộc đàm phán sẽ chỉ còn là thảo luận về thủ tục đầu hàng của Ukraine do thực tế là Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào mà Kiev đưa ra.
Trước đó, ngày 22/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình về Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh bất kỳ hành động thù địch nào cũng luôn là một thảm kịch, đồng thời chỉ ra "chúng ta phải nghĩ cách ngăn chặn thảm kịch này".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng kêu gọi chấm dứt xung đột Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 ngày 22/11.
Ngày 20/11, Tổng thống Zelensky lên tiếng phản đối việc tổ chức đàm phán hòa bình với Nga, bất chấp hoàn cảnh khó khăn của quân đội Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng ông loại trừ tình hữu nghị với Liên bang Nga.
Ngày 9/11, nhà báo Mỹ Ted Snyder nói rằng ông Zelensky có thể sớm đồng ý đàm phán do áp lực từ Washington.
Ngày 18/10, ông Putin cho rằng Ukraine cần dỡ bỏ sắc lệnh cấm đàm phán nếu muốn bắt đầu quá trình này. Ông lưu ý nếu trước đó Kiev tuyên bố cần phải giáng một thất bại chiến lược lên Liên bang Nga trên chiến trường thì nay các chính trị gia Ukraine đã bắt đầu chỉ ra tầm quan trọng của việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình.
Vòng đàm phán cuối cùng giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Istanbul vào ngày 29/3/2022, kéo dài khoảng 3 giờ.
Sau đó, Kiev chính thức từ chối liên lạc với Moscow. Ngày 4/10/2022, ông Zelensky phê chuẩn quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc Ukraine về việc nước này không thể tổ chức đàm phán với Tổng thống Putin.
Chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ Donbass, được ông Putin công bố ngày 24/2/2022 vẫn tiếp tục. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tình hình trong khu vực đang trở nên trầm trọng hơn, được cho là do quân đội Ukraine pháo kích.