Chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam

Chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam

(GD&TĐ)-Mục đích của việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi là xây dựng hệ thống pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ về thị trường tài chính - tiền tệ, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi phát triển, góp phần ổn định thị trường tài chính và tăng lòng tin của người dân với hệ thống tài chính trong nước.

Bảo hiểm tiền gửi chỉ áp dụng với VND
Bảo hiểm tiền gửi chỉ áp dụng với tiền gửi bằng  đồng Việt Nam (ảnh MH)

Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi, đa số ý kiến nhất trí với đối tượng được bảo hiểm tiền gửi như quy định là chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân. Vì tiền nhàn rỗi của các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, nhân đạo, từ thiện để gửi tại các tổ chức tín dụng không nhiều, và đã có những quy định cụ thể, riêng cho từng tổ chức quản lý chặt chẽ, nên không cần sự điều chỉnh của Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Về loại tiền gửi được bảo hiểm, đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý (vàng) vì chính sách quản lý ngoại hối nói chung chỉ cấm thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi đó nhà nước đang khuyến khích kiều hối và công nhận tiền gửi ngoại tệ, vàng và một trong các biện pháp đó chính là cơ chế bảo hiểm đối với các tài sản này.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) nêu ý kiến: “Hiện tại, đã cho phép gửi vàng, ngoại tệ thì NH cũng phải có trách nhiệm. Theo đó, NH có trách nhiệm qui đổi tại thời điểm gửi ra VND để thực hiện Bảo hiểm tiền gửi”.

Để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, có đại biểu nêu ý kiến: cần có quy định rõ ràng bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Ví dụ như ở Điều 28, trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phá sản, thì tổ chức Bảo hiểm tiền gửi trở thành chủ nợ, và được phân chia tài sản theo thứ tự như người gửi tiền. Nhưng theo quy định của Luật phá sản trong trường hợp nếu tài sản không đủ để trả nợ thì mỗi chủ nợ được một phần tương ứng với khoản nợ của mình. Như vậy thì phần lớn sẽ thuộc về tổ chức Bảo hiểm tiền gửi và người gửi tiền sẽ bị thiệt thòi đáng kể.

Về quản lý, nhiều ý kiến đồng thuận với quy định giao Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước thành lập và quản lý nhà nước. Như vậy, sẽ gọn hơn, bớt khâu trung gian trong việc thực hiện chức năng quản lý.

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động. Không nên coi bảo hiểm tiền gửi là một bộ phận của Ngân hàng Nhà nước bởi điều này không phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, không phù hợp với vị trí pháp lý của bảo hiểm tiền gửi hiện hành và sẽ không giải quyết được các bất cập của bảo hiểm tiền gửi đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần vào việc đảm bảo tính an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.

Bảo Lâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ