Chê vợ cũng phải… lựa lời

GD&TĐ - Chị nghĩ lại, càng sống chung với nhau thì chuyện chồng chê mình ngày càng nhiều. Có lúc đến nhà ba mẹ chồng, nấu món gì cho gia đình cũng bị chồng chê lấy chê để dù mẹ chồng đã đỡ lời rất nhiều. Nghĩ lại chị còn hậm hực.

Chê vợ cũng phải… lựa lời

Buổi trưa, lúc ăn cơm nhà, chị Vân bức xúc kể chuyện vừa bị sếp mắng vì mắc lỗi trong công việc cho chồng nghe. Chồng chị bực mình nói: “Sao em ngu như con bò. Việc vậy mà cũng để sai là sao?”.

Tưởng rằng mình được chia sẻ khi kể lể với chồng, nhưng nào ngờ bị chồng tạt gáo nước lạnh vào mặt. Cả tuần nay, con ốm, chồng lại đi suốt chẳng phụ mình chút nào. Ngoài công việc ở cơ quan, chị Vân còn phải tranh thủ làm ngoài giờ kiếm thêm thu nhập. Chính vì thế người xoay như chong chóng, đầu óc rối bời, mệt mỏi nên mới ra cớ sự. Về nhà, nghe chồng nói thế, chị càng mệt thêm.

Dù đôi lúc không vừa lòng với láng giềng, chị nghĩ, thôi thì “một điều nhịn chín điều lành” và vì “bán bà con xa mua láng giềng gần”. Huống hồ, đã là hàng xóm gần 30 năm nay, mình lại ở hàng con cháu, nhịn một chút cho vui vẻ đôi bên cũng có gì thiệt thòi. Ấy vậy mà chồng chị phán: “Mình cứ im lặng người ta tưởng ngu, làm gì cũng được. Phải chứng tỏ cho người ta thấy mình khôn lanh, mạnh mẽ, em hiểu chứ!”.

Mà chuyện này có gì liên quan đến việc ngu với khôn cơ chứ. Câu chuyện chỉ xoay quanh cái sọt rác trước cửa nhà. Không biết con chuột hay con mèo tinh ranh nào đó đã tha bọc rác nhà chị Vân sang nhà bà Bốn, khiến rác nằm ngổn ngang. Bà đi tập thể dục về thấy thế liền to tiếng. Mặc dù chị đã giải thích nhưng bà chẳng hạ hỏa.

Thì thôi chị Vân đành xin lỗi cho êm chuyện. Dù gì thì “tang chứng vật chứng” rành rành ra đấy, phần phải thuộc về bà Bốn. Vậy mà chồng chị chẳng chút cảm thương, còn cho rằng chị ngu ngốc.

Trong gia đình, chị luôn tự hào là đứa giỏi giang. Bà con lối xóm đều lấy nỗ lực phấn đấu vượt qua hoàn cảnh khó khăn của chị để làm gương cho con cái họ. Thế nhưng với chồng, chị cứ bị mắng vì những chuyện không đâu.

Có lúc, bị mắng xối xả trước mặt con cái, họ hàng, bà con hàng xóm thì còn gì là thể diện. Những lần ấy, chị không giấu nổi bức xúc vì bị bị chồng ví với “con bò” hay “con lợn”. Sai đã đành, nhiều cái đúng rành rành, chị cũng bị chồng xem thường, bị coi là ngu dốt.

Lúc vui vẻ, chị bỏ ngoài tai, coi như lời nói gió bay, bông đùa, dù gì cũng sống nhau cả đời, hơi đâu mà nhỏ mọn để bụng mấy chuyện cỏn con đó.

Nhưng có lúc ức quá, như ngọn núi lửa lâu ngày ngủ yên nay phun trào cuồn cuộn, chị gào lên kể lể đủ thứ rằng: “Tôi đã vì cái nhà này làm biết bao nhiêu việc mà anh vẫn không hài lòng sao? Anh nhìn lại mình đi, đã làm được gì? Cứ tan ca về là ăn nhậu, nhịp đùi xem báo, nằm xem ti-vi…”. Vậy mà anh chẳng chịu suy nghĩ, cho rằng chị càng nói càng lòi thêm cái... ngu.

Lúc uất ức hơn, chị chỉ muốn bỏ đi đâu cho thật xa. Cũng có lần chị đã qua nhà bạn “tá túc” nửa ngày nhưng rồi lại lo cho mấy đứa nhỏ ở nhà. Cái lo của phụ nữ cao cả và thâm sâu như thế.

Rồi một lần ba chồng sẵn đi công việc ghé chơi. Bữa cơm được bày ra thật hấp dẫn. Nhưng không thể nào làm vừa lòng ông chồng “khó tính, cuồng ngôn, kém tế nhị” của chị được. Chỉ vừa nhìn vào đĩa thịt gà kho sả thôi, chồng chị Vân đã lớn tiếng: “Sao em ngu quá vậy! Em biết rõ là ba không ăn được ớt mà sao trộn nhiều ớt thế? Thật là vụng về”.

Không hài lòng về cách con trai mình đối xử với vợ còn thua cả osin, ông từ tốn bảo: “Con sao vậy? Ba không khó chịu mà con ra vẻ gia trưởng thế? Con Vân nó không biết nghĩa là không có tội. Thực sự ba buộc phải nói thẳng, lẽ ra người ngu không phải là con dâu của ba mà là... con. Con làm chồng như thế đến bao giờ gia đình nhỏ này mới hạnh phúc đây?

Hãy dẹp bỏ tính gia trưởng, cái bản ngã của mình qua một bên đi, đặc biệt là cách ăn nói thiếu nhã nhặn. Cái gì vợ không biết thì ân cần chỉ bảo để nó hoàn thiện. Con làm vậy thì người ta nghĩ con thế nào, vợ con thế nào đây? Dù rằng ba biết con chỉ buột miệng nói thế nhưng ba nghĩ con nên bỏ ngay cái từ “ngu” đó, ba không muốn nghe nói đến một lần nữa”. Chồng chị Vân ra chiều thấu hiểu, vội xin lỗi ba và vợ.

Dù những lần sau đó, anh lỡ buột miệng nhưng rồi sực nhớ đến lời ba dạy, anh vội vàng xin lỗi vợ ngay. Từ từ, mọi chuyện trở nên êm đẹp. Cái gì cũng cần có thời gian.

Và chỉ ít tháng sau, chồng chị Vân đã không còn tính sĩ diện, nói năng ngông cuồng như trước. Giờ chị mới nhận ra, chồng cũng yêu thương mình nhưng có lẽ anh không biết cách thể hiện, không có khiếu ăn nói cũng như quen với cái kiểu giao tiếp ngoài chợ trời (chồng chị là con buôn hàng điện tử).

Chị Vân thầm cảm ơn ba chồng, nhờ có sự can thiệp của ba chồng mà chồng chị trở lại người đàn ông hoàn hảo giống như thời mới quen nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ