* Trả lời: Theo thư bạn viết, chúng tôi có thể hiểu bạn đang quan tâm đến các chế độ phụ cấp thu hút và phụ cấp ưu đãi theo Nghị định: 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ “Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2019.
Tại Khoản 2 Điều 13 của Nghị định: 76/2019/NĐ-CP quy định: Cách tính thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau: Trường hợp có từ 50% trở lên thời gian trong tháng thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo chế độ làm việc do cơ quan có thẩm quyền quy định thì được tính cả tháng; trường hợp có dưới 50% thời gian trong tháng thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì không tính;
Đối với nhà giáo đạt từ 50% định mức giờ giảng trong tháng trở lên thì được tính cả tháng; thời gian nghỉ hè được hưởng lương đối với nhà giáo theo chế độ quy định của cơ quan có thẩm quyền thì được tính hưởng phụ cấp thu hút và phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định trên có nêu: Thời gian không được tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định này, gồm: Thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 1 tháng trở lên; Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thời gian bị tạm đình chỉ công tác, thời gian bị tạm giữ, tạm giam.
Căn cứ vào quy định nêu trên, nếu thời gian nghỉ hè của bạn được hưởng lương theo chế độ quy định của cơ quan có thẩm quyền thì bạn vẫn được tính hưởng phụ cấp thu hút và phụ cấp ưu đãi theo nghề. Trường hợp bạn của bạn bị đình chỉ công tác 20 thì trong tháng đó, đồng nghiệp của bạn sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp và phụ cấp nêu trên.