“Chế”, “độ” lại xe là vi phạm pháp luật

Có hàng trăm lý do để chủ xe tự ý thay đổi kết cấu phương tiện. Tuy nhiên, chưa bàn đến chuyện đẹp xấu, những chiếc xe này sau khi thay đổi kết cấu đã trở nên nguy hiểm, dễ cháy nổ, nguy cơ gây TNGT.

CBCS Đội CSGT số 1 phát hiện, xử phạt chiếc xe máy tự chế, lắp thêm bánh để chở tôn, thép
CBCS Đội CSGT số 1 phát hiện, xử phạt chiếc xe máy tự chế, lắp thêm bánh để chở tôn, thép

Hôm qua 12/5, thông tin với phóng viên Báo ANTĐ, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, CATP Hà Nội cho biết, qua công tác tuần tra kiểm soát giao thông, đơn vị đã phát hiện, xử lý ít nhất 5 trường hợp chủ phương tiện tự ý thay đổi đặc tính của xe. Số phương tiện này cũng đã bị tạm giữ theo quy định của pháp luật.


Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, có nhiều đặc tính của phương tiện đã bị chủ xe tự ý thay đổi, phổ biến nhất là thay đổi ống xả, máy móc, màu sơn, kiểu dáng.... Đáng chú ý, có trường hợp chủ xe còn lắp thêm bánh, “độ” thêm khung cho mô tô, xe máy để có thể vận chuyển hàng hóa. 

Nhiều chiếc xe máy chở những thanh sắt dài vài mét trên phố, phía sau cũng được lắp đặt thêm 2 bánh đã trở thành những mũi tên rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cho người dân và cả chính lái xe vi phạm. “Tất cả những trường hợp này đều sẽ bị CSGT xử lý nghiêm theo quy định. Mức phạt hiện nay là từ 800.000-1.000.000 đồng và buộc chủ phương tiện phải khắc phục vi phạm, đưa xe trở lại hiện trạng ban đầu” - Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ khẳng định.

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ tuyên truyền, điều tra TNGT, Thiếu tá Vũ Văn Hoài - Đội phó Đội Tuyên truyền, điều tra khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt đánh giá: Người dân cần phải hiểu rằng, bất cứ một phương tiện nào được đưa ra thị trường đến tay người tiêu dùng đều được nhà sản xuất nghiên cứu kỹ lưỡng về thiết kế, độ an toàn. Việc chủ xe tự thay đổi kết cấu, đặc tính của phương tiện không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dẫn tới TNGT, cháy nổ. 


Trên thực tế, đã có nhiều phương tiện do chủ xe tự thay đổi kết cấu, trong quá trình vận hành, lưu thông đã xảy ra sự cố, cháy nổ. Đối với những phương tiện chủ xe thay đổi ống pô, ống xả, đã khiến cho âm thanh phát ra khi vận hành quá lớn, biến dạng. Đây cũng là một trong những hành vi vi phạm đã được các cơ quan chức năng đánh giá nguy hiểm không kém những chiếc xe mất phanh. 

Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, song qua công tác quản lý, điều tra khám nghiệm, nhiều vụ TNGT xảy ra bắt nguồn từ nguyên nhân âm thanh tự chế quái đản của những phương tiện tự thay đổi kết cấu này. 


“Các phương tiện khi được thiết kế lượng âm thanh trong quá trình vận hành, lưu thông đều phải đạt chuẩn, trong ngưỡng cho phép. Khi thay đổi máy móc, thiết bị, lượng âm thanh phát ra ở những phương tiện trên đã tăng đột biến, gây ô nhiễm âm thanh. 

Khi những phương tiện tự chế gầm rú trên đường phố đã khiến nhiều người tham gia giao thông hoảng hốt, giật mình tự ngã. Có trường hợp sau khi tự ngã đã bị phương tiện khác chèn qua người, gây tử vong, hậu quả vô cùng thương tâm” - Thiếu tá Vũ Văn Hoài cho biết.

Trao đổi với phóng viên, Đại úy Tạ Ngọc Khánh - Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp Phòng CSGT thông tin: BCH Phòng CSGT chỉ đạo CBCS trong quá trình làm nhiệm vụ đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp tự ý thay đổi kết cấu, đặc tính của phương tiện. 

Riêng những phương tiện lắp đặt, thay đổi ống xả, pô xe gây ra âm thanh quái đản, âm thanh lớn hơn so với chuẩn chung đều bị xử phạt nghiêm, đồng thời tổng hợp các lỗi để ra quyết định tạm giữ phương tiện, buộc chủ phương tiện phải khắc phục hoàn trả như ban đầu. Đại úy Tạ Ngọc Khánh cũng khuyến cáo, người dân, chủ phương tiện không được tự ý thay đổi màu sơn, thiết kế, đặc tính nhằm đảm bảo ATGT, phòng ngừa nguy cơ cháy nổ, tai nạn...

Theo An Ninh Thủ Đô

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.