13 người đã chết, hàng chục người bị thương, hàng trăm người được cứu thoát vẫn chưa hết hoang mang lo sợ và hàng triệu người đang sống chung cư đang phải đối mặt với những lo âu thấp thỏm….
Tôi đã không cầm nổi giọt nước mắt xót xa khi trông thấy những hình ảnh về vụ hỏa hoạn. Nhiều người bị thương nặng, tinh thần hoảng loạn. Thậm chí, bác sĩ đã phải dùng dây mềm buộc tay bệnh nhân lại để tránh kích động quá mạnh gây tổn thương cơ thể.
Họ dẫm đạp lên nhau hoảng loạn để tìm đường thoát thân. Chỉ dừng chân 1 phút, mạng sống của họ có thể bị bà hỏa cướp đi. Hình ảnh những người lính cứu hỏa với khuôn mặt thất thần nhìn về phía khu chung cư. Dù đã nỗ lực hết sức, cứu hàng trăm người thoát nạn.
Thông tin mới nhất từ cơ quan điều tra cho biết, qua trích xuất hệ thống camera, trước thời điểm xảy ra vụ cháy tại chung cư Carina Plaza, một chiếc xe máy hiệu Attila đã bốc cháy tại tầng hầm giữ xe ở lốc A của chung cư này, sau đó cháy lan đến các xe khác.
Đây có khả năng là cớ sự khởi nguồn cho vụ hoả hoạn.Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều câu hỏi được đặt ra. Hàng loạt góc khuất cần được làm rõ.
Theo thông tin từ Đại học Phòng cháy chữa cháy, hầu hết những người chết trong đám cháy là do hít khói chứ không phải bị bỏng. Khói dễ dàng phát tán, dẫn đến mất phương hướng, khó nhìn nên nạn nhân càng khó thoát ra ngoài.
Tại sao cháy lan khói đến tầng 13-14, dân mới hoảng loạn mạnh ai nấy chạy? Tại sao chuông báo động không hoạt động? Trong lúc đang say ngủ, nhiều người cùng lúc phát hiện cháy do thấy bị ngắt điện và không khí nồng nặc mùi khói, khét bốc lên.
Hầu hết mọi người đã cố gắng bấm chuông báo động để nhắc những người khác tìm cách chạy thoát khỏi tòa nhà nhưng vô hiệu vì chuông cảnh báo không hoạt động. Nhiều người đã chạy đi gõ cửa từng nhà để cảnh báo mọi người. Số khác không kịp làm gì, chỉ còn cách mạnh ai nấy chạy.
Ai đó đã thốt lên hai chữ “Giá như”…
Giá như chuông báo động kêu… thì có lẽ sẽ không ai phải chết. trong suốt quá trình khói lửa bốc lên, không ai nghe thấy tiếng còi báo cháy, báo động hay thông báo đường thoát hiểm nào. Người dân tự tìm đường thoát, ai may mắn thì thoát chết.
Giá như bảo vệ chuyên nghiệp, người trực chỉ huy quản lý tòa nhà tỉnh táo, có trách nhiệm thì đã dập tắt được lửa khi vừa phát sinh...
Một nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ hỏa hoạn cho biết, hầu hết các nạn nhân tử vong trong vụ cháy là người đã ra hành lang, chủ yếu ở khu vực thoát hiểm cầu thang bộ - lúc này đã như một “lò khói” vì không có bất kỳ sự hướng dẫn nào từ ban quản lý chung cư nên cư dân phải tự tìm cách thoát thân. Vậy, lúc xảy ra sự cố, ban quản lý tòa nhà đang ở đâu?
Một KTS chuyên thiết kế PCCC cho biết, tầng hầm của nhà cao tầng phải thiết kế hệ thống chữa cháy và hệ thống hút khói tự động. Hai hệ thống này tự kích hoạt khi xảy ra cháy.
"Qua hình ảnh, tôi thấy chung cư Carina có hệ thống hút khói tầng hầm và hệ thống chữa cháy đầy đủ, vấn đề là vì sao nó bị tê liệt. Có hai khả năng xảy ra: ban quản lý tòa nhà giám sát, bảo trì hệ thống đó không tốt dẫn đến hư hỏng hoặc có người cố tình tắt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động này" - KTS này nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Hưởng, quyền giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM (người trực tiếp chỉ huy việc chữa cháy tại chung cư Carina), cho biết, tại hiện trường lực lượng chữa cháy phát hiện cánh cửa ngăn giữa tầng hầm block A và các tầng phía trên mở, có cục đá chèn, vì vậy khói từ tầng hầm bốc lên trên.
Đáng ngạc nhiên là tại hiện trường, hệ thống cửa ngăn cháy bị kê chặn ở tất cả các tầng, không đóng lại nên khí độc và hơi nóng từ tầng hầm bốc lên tới tận tầng 14. Đây là nguyên nhân quan trọng gây chết người.
Vậy ai đã chèn cục đá, ai đã kê chặn hệ thống cửa ngăn cháy ở tất cả các tầng?
Đáng nói, ngay sau khi vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina Plaza, ông Nguyễn Phúc (đại diện Cty Năm Bảy Bảy) đã có mặt tại hiện trường và khẳng định rằng theo định kỳ 6 tháng, chung cư này đều có lực lượng chức năng đến kiểm tra bằng những văn bản, cho nên ông này nghĩ tất cả mọi thứ đều đảm bảo an toàn theo yêu cầu (!?).
Dư luận nói về vụ hỏa hoạn như cái chết được báo trước có phần chát chúa nhưng quả không sai. Chiều tối hôm trước, cư dân tại đây đã có cuộc đối thoại với Ban quản lý về vấn đề an toàn cháy nổ. Chỉ 7 giờ sau những lời cảnh báo, tai họa thảm khốc đã xảy ra khi vụ cháy cướp đi sinh mạng 13 người và hơn 60 người phải nhập viện cấp cứu.
Hệ lụy không chỉ có vậy, người ta không khỏi đặt câu hỏi “Còn bao nhiêu những chung cư, tòa nhà “mù báo cháy” như Carina Plaza trên cả nước, chưa kể cò hơn 600 chung cư cũ xuống cấp không hề có thiết bị cảnh báo cháy. Hàng triệu người hiện đang sống trong các khu chung cư, nhà cao tầng hoang mang lo sợ.
Hàng triệu người khác đang có ý định mua chung cứ liệu có tránh khỏi việc đặt câu hỏi “chung cư có còn là nơi đáng sống”. Đương nhiên sẽ có nhiều người rút lại ý định mua cho mình một căn hộ chung cư và cho rằng việc ở trong một căn chung cư cao tầng chẳng khác nào đánh cược với tính mạng của bản thân và gia đình.
Qua vụ cháy chung cư Carina Plaza quận 8, TP Hồ Chí Minh cũng như một số vụ cháy trước đây, chúng ta có thể thấy rõ hai nguyên nhân chính, đó là chất lượng xây dựng, các thiết bị phòng cháy chữa cháy còn nhiều bất cập và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà (ban quản lý tòa nhà) còn kém và chủ quan, một nguyên nhân nữa là ý thức phòng chống cháy nổ của cư dân sống tại chung cư còn chủ quan và thiếu kỹ năng trong phòng chống cháy nổ.
Xu hướng lựa chọn chung cư là không thể đảo ngược. Vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để bảo đảm an toàn, đặc biệt an toàn cháy nổ cho dân tại các khu chung cư.
Trước hết, cần rà soát lại hành lang pháp lý, hệ thống quy chuẩn xây dựng, vận hành, bảo trì chung cư; xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, của cơ quan quản lý, và của người dân ở chung cư. Không thể để tình trạng còn lỗ hổng về pháp lý, sự cẩu thả, tắc trách từ phía chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý, sự thiếu ý thức của người dân.