“Không thể tưởng tượng”
Về việc 15 vụ hỏa hoạn đã bùng lên tại 3 khu vực ở phía Nam của Hy Lạp vào cùng một thời điểm, nói với CNN, ông Vagelis Bournos - Thị trưởng của khu vực xảy ra hỏa hoạn Rafina - Pikermi, rất có thể do có kẻ đốt. Nhưng giới truyền thông đặt nghi vấn vì sao lại có thể đốt ở quá nhiều địa điểm như vậy? Và vì thế, lý do cháy đến từ cái nóng ghê người khiến những cánh rừng khô khát nên được coi là nguyên nhân chính.
Tính tới thời điểm ngày 28/7, khi vụ cháy rừng được dập tắt, có tới 83 người thiệt mạng, hơn 185 người bị thương nặng.
Mùa hè năm nay, khi châu Á đang phải đương đầu với những trận mưa lớn liên miên, dai dẳng thì châu Âu lại khô khát, quay cuồng trong cái nóng kỷ lục ở hấu hết các quốc gia. Nắng nóng tàn phá nhiều cánh đồng lúa mì Bắc Âu, trong khi thời tiết khô hạn và mưa lớn tại các nước ở khu vực Biển Đen làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mất mùa, đẩy giá loại ngũ cốc này tăng cao khi mà nhiều nước châu Âu đã bước vào mùa thu hoạch.
Theo Cơ quan tư vấn Strategie Grains, sản lượng thu hoạch lúa mì trong năm nay tại EU, vựa lúa mì lớn nhất thế giới sẽ dưới 130 triệu tấn, mức thấp nhất trong 6 năm qua. Sản lượng tại những nước sản xuất lúa mì hàng đầu của châu Âu gồm Pháp, Đức, Anh và Ba Lan dự kiến giảm trong vụ mùa này. Cụ thể, Pháp - nước sản xuất lúa mì đứng đầu khu vực, dự báo sản lượng hạ xuống còn 34 triệu tấn, thấp hơn sản lượng thu hoạch 36,6 triệu tấn năm ngoái. Đức, nhà sản xuất lùa mì lớn thứ hai EU, dự kiến sản lượng giảm 25% trong năm nay do ảnh hưởng từ đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ năm 1881.
Vẫn theo Strategie Grains, sản lượng lúa mì của Nga từ đầu năm đến nay giảm 18%. Năm ngoái, Nga thu hoạch được sản lượng lúa mì kỷ lục 85,7 triệu tấn. Tại Ukraine, nước xuất khẩu phần lớn sản lượng của mình, mùa thu hoạch năm nay giảm 16% xuống còn 22 - 23 triệu tấn. Sản lượng lúa mì của Romania, nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba châu Âu, được dự báo sẽ giảm ít nhất 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, những cảnh báo về cái nóng gay gắt vẫn liên tục được đưa ra. Theo đó, nhiệt độ tại nhiều khu vực châu Âu phá kỷ lục 48 độ C vào trung tuần tháng 8 này. Đặc biệt, thời tiết tại khu vực Tây Nam châu Âu sẽ vô cùng nóng, nhất là khu vực bán đảo Iberian (bao gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Người ta đã “lên kịch bản” cho đợt nắng nóng này, dựa vào mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận tại thành phố Athens, Hy Lạp vào năm 1977 là 48 độ C. Trước đó, 16 đài khí tượng tại Bồ Đào Nha ghi nhận nhiệt độ lên mức 45,9 độ C ở nhiều nơi như Alcacer do Sal, gần Setubal. Chính quyền thành phố Lisbon đã phải đóng cửa các điểm vui chơi ngoài trời.
Tại Pháp, 18 tỉnh đặt mức cảnh báo màu cam. Tại Anh, nhiệt độ cao 38,5 ở mức “không thể tưởng tượng” đối với người dân xứ sở sương mù. Tại Đức, nắng nóng lên tới đỉnh điểm 39 độ C.
Những đợt nắng nóng khủng khiếp trong lịch sử
“Chúng ta không nên lảng tránh nguyên nhân chính. Đó là Trái đất đã thực sự nóng lên”- Robert Martin, chuyên gia khí tượng của EU đưa ra nhận xét.
Từ “mùa hè đổ lửa” của châu Âu năm nay, người ta nhớ lại những trận nắng nóng ghê người từng diễn ra trong lịch sử.
Tháng 7/1936, nước Mỹ có tới 997 người thiệt mạng trong đợt nắng nóng kéo dài 10 ngày với nền nhiệt độ lên tới 49 độ C. Riêng thành phố New York có 76 người thiệt mạng. Cũng tại thánh phố này, tháng 8/1948, nhiệt độ lên tới 42 độ khiến 33 người thiệt mạng.
Tháng 6/1995, đợt nắng nóng kéo dài 5 ngày được coi là tồi tệ nhất lịch sử, tại Chicago của nước Mỹ, được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của 750 người và hơn 3.000 người phải nhập viện.
Còn tại châu Âu, mùa hè 2003 với cái nắng gay gắt cũng là một trong những nguyên nhân cướp sinh mạng của 4.000 người, nhiều nhất là ở Pháp với hơn 1.000 người Khi đó, miền Bắc nước này nắng nóng kéo dài 7 ngày, nền nhiệt trung bình lên tới 38 độ C. Nga là quốc gia ôn đới nhưng vào tháng 7/2010, nhiều vùng như Yashkul, Belogorsk nhiệt độ lên tới 39 độ C.
Còn tại châu Á, năm 2007, một đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 với nền nhiệt trung bình lên tới 40 độ C, trong đó Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Nhật Bản và Trung Quốc là các quốc gia chịu ảnh hưởng. Riêng tại Nhật Bản, ít nhất 900 người tử vong vì được cho là sốc nhiệt. Tháng 5/2015, nhiều thành phố ở Ấn Độ quay cuồng trong nắng nóng, với mức nhiệt ban ngày cao nhất chạm mốc 50 độ C. Đợt nắng nóng này khiến hơn 1.400 người thiệt mạng và nhiều người phải nhập viện. Cũng trong năm này, tháng 6/2015, nắng nóng là nguyên nhân chính dẫn tới cái chết của 1.200 người tại miền Nam Pakistan. 2/3 trong số này là người vô gia cư.
Australia khí hậu ôn hòa nhưng vào tháng 1 của năm 2009, miền Đông của nước này đã phải chịu một đợt nắng nóng kéo dài 3 ngày, nền nhiệt lên tới gần 43 độ C. Trong đợt nắng nóng này, nhiệt độ cao nhất ở Hopetoun (bang Victoria) là 45 độ C, còn Melbourne 44 độ C. Nắng nóng dẫn đến cháy rừng ở Victoria, khiến 173 người tử vong.
Hệ lụy biến đổi khí hậu
Vì sao mùa hè năm nay châu Âu lại nắng nóng dữ dội đến vậy?
Đi tìm câu trả lời, giới chuyên gia khí tượng cho rằng trong quá khứ cũng từng có những đợt nắng nóng. Nhưng không kéo dài và cũng không lan rộng hầu hết các quốc gia của châu lục. Nhiều người cho rằng, biến đổi khí hậu với việc ấm lên của Trái đất là nguyên nhân chính, chứ không phải do một đợt không khí nóng từ châu Phi tràn sang châu Âu. Robert Martin, chuyên gia khí tượng của EU đưa ra nhận xét:
- Năm nào vào mùa hè thì gió nóng từ châu Phi cũng vào châu Âu, mà mùa hè năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Thêm nữa, nhiệt độ của những đợt gió nóng này cũng không cao hơn nền nhiệt trung bình trong vòng 50 năm trở lại đây.
Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, “chúng ta không nên lảng tránh nguyên nhân chính. Đó là Trái đất đã thực sự nóng lên”.
Còn Mario Carpirro, nhà khí tượng học người Italy cho rằng, mùa hè dữ dội năm nay cho thấy châu Âu đã không còn là miền đất ôn đới. Tự bản thân châu lục này không thể giải quyết, vì đó là vấn đề toàn cầu, nếu như loài người không đồng lòng “làm nguội” Trái đất.