Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, trên cơ sở dữ liệu thu được từ 34 trạm quan trắc chất lượng không khí (CLKK) tự động, liên tục từ ngày 1/6 đến ngày 7/6 trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (đặc biệt là PM10 và PM2.5) thường có xu hướng tăng cao vào ban đêm và rạng sáng (từ 18 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau), và giảm dần từ trưa sang chiều, sau khi bức xạ mặt trời tăng.
Đặc biệt vào đêm ngày 6 và sáng sớm ngày 7/6, nồng độ bụi tăng cao đột biến, chỉ số CLKK một số trạm đã chạm ngưỡng rất xấu.
Lý giải về hiện tượng này, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới CLKK suy giảm trong thời gian gần đây như: Biến thiên nồng độ của các chất ô nhiễm không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng (nguồn phát thải, điều kiện khí tượng); tốc độ gió; khả năng khuấy trộn của không khí theo chiều dọc (độ ổn định); bức xạ mặt trời và các phản ứng quang hóa.
Bên cạnh đó, một số khu vực ngoại thành đã vào mùa thu hoạch, xuất hiện tình trạng đốt lộ thiên chất thải, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt vào chiều muộn và ban đêm khiến cho nồng độ chất ô nhiễm trong không khí tăng.
Ngoài ra, điều kiện khí tượng bất lợi, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn (ban ngày nhiệt độ tăng cao, trời oi nóng, ban đêm nhiệt độ giảm mạnh, lặng gió) đã tạo thành lớp màng bao phủ TP, hạn chế sự tạo ra chuyển động rối trong lớp khí quyển sát đất, đã khiến chất ô nhiễm không được khuyếch tán lên cao mà tích lũy lại ở lớp không khí gần mặt đất vào ban đêm.
Nhất là trong ngày 7/6, nồng độ chất ô nhiễm tăng cao đột biến là do chất ô nhiễm tích tụ trong thời gian dài, điều kiện khí tượng bất lợi gây cản trở sự khuếch tán chất ô nhiễm.