(GD&TĐ) - Sáng nay 21/12 Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đã tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày thành lập và đón nhận các danh hiệu của Chính phủ, Bộ GD&ĐT trao tặng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã tới dự, cùng tham dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên, các bộ, ngành Trung ương, nhà trường, doanh nghiệp liên kết hợp tác cùng nhà trường và đông đảo các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Tiết mục múa chào mừng của sinh viên nhà trường |
Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên tiền thân là trường Trung học công nghiệp Hưng Yên được thành lập ngày 21/12/1966 với nhiệm vụ đào tạo kỹ thuật viên trung cấp 2 ngành Cơ khí và Động lực. Đây là thời kỳ Nhà nước đang tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam, bảo vệ và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Sau Hai khoá đào tạo, các kỹ thuật viên đã tốt nghiệp để bổ sung kịp thời lực lượng cho các xí nghiệp nhà máy - cả công nghiệp trung ương, công nghiệp địa phương và cho quốc phòng. Ngày 03/12/1970, Thủ tướng chính phủ ra quyết định thành lập trường Giáo viên dạy nghề I, thuộc Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật (Bộ Lao động) có nhiệm vụ đào tạo Giáo viên dạy nghề cho các trường công nhân kỹ thuật và các cơ sở đào tạo nghề. Năm 1987 là năm trường chuyển về trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Ngày 06/1/2003, Chính phủ ra Quyết định số 04/2003/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật I. Đây là một bước phát triển mới mang tính đột phá đối với nhà trường, xứng đáng với những đóng góp của các thế hệ cán bộ, giáo viên và sinh viên của trường sau nhiều năm phấn đấu (8 năm đào tạo GVDN trung cấp, 23 năm đào tạo cao đẳng) đã trở thành trường đại học đa ngành trong khối trường sư phạm nghề và đây lại là một khởi đầu mới trên chặng đường phát triển của nhà trường đầy vinh dự, tự hào nhưng cũng đầy thử thách.
Các đại biểu tham dự buổi lễ |
Từ khi khi trường được nâng cấp lên đại học đến nay 2003 - 2011, vẫn với tinh thần vượt khổ của các thời kỳ trước đây, thầy và trò Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên lại nỗ lực phấn đấu vươn lên với sức sống mãnh liệt và sự phát triển mạnh mẽ của một nhà trường giàu truyền thống và điều đó đã được chứng minh bằng các con số sinh động sau: Quy mô đào tao tăng từ 4000 SV năm học 200 1 -2002 lên gần 1 7.000 SV; năm học 2011 - 2012 (tăng 4,1 lần) trong đó sinh viên cao đẳng và đại học chiếm trên 92,5%. Phát triển các chương trình đào tạo đại học tăng từ 4 lên 30 chương trình. Nhiều ngành học mới như Cơ-điện tử, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Công nghệ Hóa học, Công nghệ Môi trường, Tiếng Anh, kinh tế và quản trị thời trang... được mở ra đáp ứng nhu cầu người học. Bước vào năm 2011 trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo khóa thạc sĩ đầu tiên Ngành Công nghệ chế tạo máy và 2 chương trình đang trình Bộ phê duyệt để thực hiện trong năm 2012 - đây là bước phát triển quan trọng nâng thêm tầm cao và vị thế của nhà trường.
Bộ trưởng trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể nhà trường |
Đi cùng với sự phát triển của nhà trường, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý cũng tăng nhanh cả số lượng, chất lượng, năng lực và trình độ là tiền đề cho phát triển quy mô. Đến nay số cán bộ, viên chức và giảng viên của trường là 605 ngươi, trong đó số giảng viên là 470 người, số giảng viên có trình độ sau đại học là 378 người, trong đó GS,PGS,TS là 36 người, NCS trong và ngoài nước- 39 người, Thạc sĩ 142 người, đang học cao học - 16 1 người. Cùng với đó, giảng đường, phòng thí nghiệm và các công trình phục vụ đào tạo tăng 4,4 lần và đang tiếp tục đầu tư xây dưng. Với trên 22.000 m2 nhà cao tầng được xây dựng khang trang, hệ thống hạ tầng đồng bộ đảm bảo hoạt động hiệu quả cho 4 khoa với gần 5.000 sv tại cơ sở 2 của trường.
Các cá nhận được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT |
Hoạt động NCKH đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, thu hút được sự tham gia tích cực của CBGD và sinh viên. Hàng năm có nhiều đề tài NCKH cấp bộ, cấp trường được triển khai nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn. Nhiều bài báo, báo cáo chuyên đề được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín cả trong và ngoài nước. Nhiều hội thảo cấp Quốc gia, vùng, là n trường đã được tổ chức . . . Tất cả những điều đó đã góp phần nâng tầm cho đội ngũ CBGD, tạo nên diện mạo mới cho nhà trường và là yếu tố quan trọng cho việc đảm bảo và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, là cơ hội để trường tham gia sâu hơn và đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển KT-XH của đất nước.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên trao cờ thi đua đơn vị dẫn đầu tỉnh cho nhà trường |
Những số liệu nêu ở trên là bằng chứng sinh động về việc nhà trường đã nghiêm túc thực hiện các cam kết trong đề án nâng cấp trường và trách nhiệm xã hội của một cơ sở đào tạo đại học. Cùng với việc triển khai thực hiện tố chức, quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra như cam kết công khai của trường với xã hội đã giúp nhà trường tiếp tục khẳng định và phát triển được thương hiệu, tiếp tục phát huy truyền thống, vững tin hướng tới tương lai.
Trao các danh hiệu thi đua, bằng khen của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cho tập thể và các cá nhân, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã bày tỏ niềm vui trước những thành tựu đạt được của nhà trường. Đây là kết quả to lớn và toàn diện, trên cả lĩnh vực phát triển ngành nghề và quy mô đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy và thực tiễn, phát triển đội ngũ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đưa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên trở thành một trong các trung tâm lớn của khu vực đồng bằng sông Hồng về đào tạo bồi dưỡng giáo viên kỹ thuật, kỹ sư, cử nhân, giáo viên dạy nghề và kỹ thuật viên, góp phần đáng kể vào công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương và các tỉnh khác trong khu vực. Bộ trưởng nhấn mạnh: Có thể khẳng định rằng, những thành tích và kết quả đạt được là kết tinh ý chí, nghị lực và công sức của các thế hệ cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên của trường, của tập thể đảng ủy, lãnh đạo nhà trường trong suốt 45 năm qua.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương pháp dạy và học |
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho nhà trường trong thời gian tới đây cần: Chủ động xây dựng Chương trình hành động cụ thể để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và các giảng viên; Nghiên cứu lý luận và thực tiễn vấn đề đổi mới cơ bản, toàn diện GD-ĐT; Đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, coi đây là khâu "đột phá" để giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo; Lấy chất lượng đào tạo là mục tiêu trọng tâm của chiến lược phát triển nhà trường trong giai đoạn tới; Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương pháp dạy và học. Tập trung biên soạn, bổ sung, hoàn thiện hệ thống giáo trình để đảm bảo cập nhật và phù hợp với hoàn cảnh thực tế phát triển kinh tế xã hội của đất nước; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và liên kết đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ với các cơ sở giáo dục, các viện nghiên cứu khoa học có uy tín của khu vực và thế giới; Tập trung hơn nữa cho việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong nhà trường: Có chương trình cụ thể để bổ sung đủ số lượng và hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học về năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức quản lý, ý thức trách nhiệm và lập trường quan điểm; Đi đôi với việc đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, cần tập trung nỗ lực, chăm lo đến việc củng cố và phát triển cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, trang thiết bị và phương tiện dạy học bằng nhiều nguồn vốn, tạo điều kiện cho người dạy và học có được các phương tiện trợ giúp giảng dạy, thực tập, nghiên cứu khoa học phong phú và hiện đại; Chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đảm bảo sự đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ, trong tập thể nhà trường. Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng công tác giáo dục cho HSSV về đạo đức, lối sống và ý thức trách nhiệm trước gia đình, nhà trường, xã hội và đất nước.
Yên Thúy