Chất lính, tình quê trong thơ Nhà giáo, chiến sĩ Nguyễn Minh Khang

Chất lính, tình quê trong thơ Nhà giáo, chiến sĩ Nguyễn Minh Khang

(GD&TĐ) - Tôi được anh Minh Khang tặng 2 tập thơ: Một thời đừng quên với 78 bài thơ và Hành quân Trường Sơn - trường ca về một cuộc hành quân lịch sử của những người lính, trong đó có Minh Khang và đồng đội của anh, trong đó có cả tôi nữa. Cảm nhận đầu tiên là rất trân trọng, các bài thơ đều được viết từ nhu cầu tự thân của một người lính chiến trường, một nhà giáo, nhà biên tập, viết để đừng quên một thời: "Ba lô trên lưng súng hằn trước ngực/ Có giặc là đi chẳng toan tính điều gì". Viết để đừng quên những "Mùa Đông”, "Mưa dầm", đừng quên "Đại Lải chiều mưa"... Và, như anh viết trong lời tựa tập trường ca Hành quân Trường Sơn "viết để ghi lại những cảm xúc này, dù đơn sơ mộc mạc nhưng là một tấm lòng, một kỷ niệm đối với đồng đội".

Tôi cũng là một người lính tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ năm 1972  đến hết chiến tranh thì về trường đại học để học tập tiếp. Ngày đi

bộ đội tôi là sinh viên năm thứ 4. Theo tôi ra chiến trường là hình ảnh mái trường đại học, hình ảnh thầy cô, bạn bè. Và tất nhiên, có cả hình ảnh quê hương, cha mẹ, gia đình, những con đường, dòng sông tuổi thơ gắn bó.

Còn Nguyễn Minh Khang ra đi nhập ngũ từ làng quê nghèo. Đọc bài thơ "Nhập ngũ” của anh thấy hiện lên hình ảnh người mẹ gầy tiễn đưa, chạy theo xe và khuất sau bụi đường làng quê. "Chưa đủ tuổi con vào Bộ đội/ Đoàn quân xa mẹ theo bám bụi đường/ Nước mắt gầy nén nỗi yêu thương".

Và những kỉ niệm về quê nghèo cứ nghèn nghẹn hiện ra: "Làng quê nghèo, cuộc đời lận đận/ Người chân quê chân đất đầu trần/ Cắt cỏ chăn trâu đuổi cáy bắt còng/ Cơm sắn cơm khoai dễ ăn chóng lớn".

Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, nơi gắn liền với sông nước, biển cả, nên Minh Khang ăn khoai sắn mà chóng lớn, khỏe như vậy, mới 17 tuổi đã xung phong đi bộ đội, với suy nghĩ giản dị: “Còn giặc Mĩ có ai còn hạnh phúc”; "Đất nước chiến tranh con đi tòng quân/ Anh bộ đội niềm ước mơ tuổi trẻ". Thời đó chúng tôi nghĩ đơn giản vậy thôi. Làm trai mà không ra tiền tuyến thì không oai được, các cô gái cũng không yêu.

(Ảnh st)
(Ảnh st)

1. Tập thơ Một thời đừng quên:

Nguyễn Minh Khang không bỏ sót kỉ niệm sâu sắc nào, ghi lại bằng thơ càng giúp cho anh không thể quên được. Từ bài "Tuyên ngôn người lính", "Đêm ấy chúng tôi đi" - ghi lại thời khắc ngày 9/5/1971 đoàn tàu chở các anh bắt đầu lăn bánh hướng về Nam, "Cánh võng cùng chiều” - ghi lại cảnh tiểu đoàn của anh gặp tiểu đoàn lính nữ cùng hành quân vào Nam, ngủ lại bên suối ở Trường Sơn; rồi đến các bài ghi lại cảnh hành quân qua Đường 9, qua miền Đông, Trảng Dầu, qua cao nguyên Poloven, qua Đèo Ngang, vượt qua túi bom "Cánh đồng chó ngáp"... Rồi anh ghi cả kỉ niệm về muỗi, không đâu nhiều muỗi như ở Tháp Mười. Và anh thăm Nghĩa trang Trường Sơn, thăm Côn Đảo, Cầu Hiền Lương, thăm lại mái trường xưa, thăm Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thăm Chợ tình Sa Pa... Và anh chia sẻ nỗi niềm về công việc sau này làm nghề sách, gắn bó với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Và, trong sâu thẳm của lòng anh là tình yêu quê hương, đất nước, là tình sâu nghĩa nặng với cha mẹ, gia đình, vợ con, với thầy cô, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp.

Trong mỗi bài thơ của Minh Khang, dù chủ yếu ghi lại cảm xúc, kỉ niệm nhưng cũng thấy chất thi ca bay bổng, chất quê và chất lính mộc mạc chân tình làm xao xuyến lòng người. Có thể dẫn ra đây một số câu thơ như thế:

“Lên đỉnh Pôlôven / Thấy cổng trời xuống thấp/ Mây bay ngang tầm mắt/ Đêm nằm cùng trăng sao" (Đêm cao nguyên Pôlôven).

"Từ mọi hướng về Sài Gòn tiến thẳng/ Bước hành quân thần tốc vượt cung đường/ Xác pháo xe tăng hoảng loạn giữa chiến trường/ Quân phục rằn ri quân thù phơi dọc lối" (Chiến thắng).

"Đất nước mình mỗi xã một nghĩa trang/ Vẫn chưa đưa hết các anh về yên nghỉ"/ "Thương các anh nơi chiến trường nằm xuống/ Nghĩa trang làng còn đó, chờ anh" (Nghĩa trang liệt sĩ quê mình).

2. Trường ca Hành quân Trường Sơn:

Tôi như được sống lại cái không gian dọc dài theo đất nước, hùng vĩ, bí ẩn, ác liệt đạn bom, gian lao hành quân, gian lao cuộc sống, nhưng đầy chất thơ bay bổng, lạc quan. Tôi rất trân trọng Trường ca này, có cảm giác anh đã dành nhiều thời gian trong suốt 30 năm để viết. Mỗi câu thơ được anh viết từ chất liệu ghi chép chân thực, từ trải nghiệm của cuộc đời anh, từ nghệ thuật văn thơ mà anh đã học và tích lũy trong những năm làm biên tập sách. Chất trữ tình và chất anh hùng ca trong trường ca Hành quân Trường Sơn được nổi lên rõ rệt:

"Trường Sơn mây núi bao la/ Quân đi thác đổ, mây là là theo/ Nghỉ trưa dừng lại lưng đèo/ Ba lô dựa vách tai mèo dừng chân/ Đèo cao hoa nở trắng ngần/ Có con bướm lượn dưới ngầm suối sâu”.

"Cầu treo, cầu khỉ, cầu vồng/ Mỗi cây cầu một nỗi lòng công binh"

"Suối sâu vạt áo nắng nhòa/ Trong nơi tuyến lửa câu hò nên vui"

"Trường Sơn chín đợi mười chờ/ Quân đi nối bước, câu hò trăng lên"

"Quân đi rừng lặng gió ru/ Vẳng nghe bên suối chim gù gọi nhau/ Nai vàng tìm bạn nơi đâu/ Mắt ngơ ngác trước một màu quân xanh".

Tôi cũng đã có lần đi lấy nước uống cho đơn vị. Tìm mãi thấy một hố bom có nước đọng lại do mưa hôm qua, uống xong lấy nước vào bi đông thì thấy một xác đồng đội vắt vẻo bên kia miệng hố bom. Anh Khang cũng gặp tình huống này và ghi lại: "Vạt nước vừa uống buổi đêm/ Còn vương xương thịt trận bom hôm nào/ Bầu trời bớt những vì sao/ Viếng chào đồng đội tôi vào tuyến trong".

Rồi cái cảnh khiêng đồng đội bị sốt rét rên hừ hừ vất vả biết bao: "Đòn khiêng buộc võng la đà/ Không va đập cũng bước xa bước gần/ Thương bạn cố giữ bước chân/ Đường dài, sức mệt, đoàn quân xa rồi".

Vất vả là thế gian nan là thế, nhưng thế hệ anh và chúng tôi đều coi thường gian khó, hiểm nguy vì đất nước đang có giặc: "Lời thề đánh Mĩ sục sôi/ Chiến trường khói lửa luôn thôi thúc lòng".

Tóm lại, qua 2 tập thơ trên của anh Minh Khang, tôi thấy đây là thơ của một người chiến sĩ đã có những tháng ngày vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mĩ làm nên chiến thắng 30/4/1975. Sau hòa bình thống nhất đất nước, anh được học đại học về Văn ở Sài Gòn, rồi làm nhà giáo, làm xuất bản sách giáo dục, làm việc gì anh đều dành tâm huyết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thơ là tiếng lòng - thơ anh đã đem đến cho bạn đọc gần xa những tình cảm, những kỉ niệm, những hình ảnh khó quên, trong đó lấp lánh đâu đây những lẽ sống cao đẹp của một thời hào hùng.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc mừng nhà giáo, chiến sĩ Nguyễn Minh Khang, người bạn thân quý của chúng ta!

Hà Nội, 27/4/2010

Văn Đình Ưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ