Xét tuyển ĐH-CĐ năm 2022:

Chắt chiu cơ hội để đỗ vào trường mình yêu thích

GD&TĐ - Mặc dù quy chế tuyển sinh năm nay đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, nhưng các em tuyệt đối không nên chủ quan mà đánh mất cơ hội trúng tuyển của mình.

Cán bộ tư vấn của Học viện Ngân hàng trong Ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2022.
Cán bộ tư vấn của Học viện Ngân hàng trong Ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2022.

Tận dụng "thời gian vàng"

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, TS Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, năm 2022 nhà trường xét tuyển theo 5 phương thức. Trong đó có xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội; kết quả học tập bậc THPT; xét theo chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế.

Theo ông Hà, trong các năm học trước đây, chất lượng sinh viên trúng tuyển vào trường ở các phương thức xét tuyển khác nhau cũng không có nhiều khác biệt. Kết quả học tập của các em sau các năm cũng không chênh lệch nhiều. Năm nay, học viện dành khoảng 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh; với phương thức xét tuyển học bạ THPT là 25%.

Quy chế tuyển sinh năm nay được cho là rất công bằng và tạo thuận lợi cho thí sinh. Do không giới hạn số lượng nguyện vọng, nên các em hãy đặt nguyện vọng 1 (cao nhất) vào ngành/trường mà mình yêu thích và có thế mạnh nhất; xếp từ cao xuống thấp theo thứ tự ưu tiên. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành lọc ảo và thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng. Đây đang là khoảng "thời gian vàng" nên thí sinh cần hết sức tận dụng để đăng ký các nguyện vọng.

TS Trần Mạnh Hà lưu ý thêm, theo quy chế tuyển sinh năm nay, nếu thí sinh đăng ký và trúng tuyển nguyện vọng thứ "N" bằng phương thức xét tuyển sớm vào một trường mà không trúng tuyển "N-1" nguyện vọng khác, hệ thống sẽ ghi nhận thí sinh trúng tuyển nguyện vọng "N". Trường hợp các em trúng tuyển một số ngành ở "N-1" nguyện vọng trước đó, hệ thống sẽ xét công nhận trúng tuyển ở ngành có thứ tự ưu tiên cao nhất. Vì vậy, các thí sinh nên trân quý từng cơ hội để đỗ vào trường mình yêu thích.

Tại Học viện Ngân hàng, Khoa Luật có tuổi đời còn khá non trẻ so với khoa luật ở các trường khác nhưng lại nhận được sự quan tâm rất lớn từ các thí sinh và phụ huynh. Bằng chứng là điểm chuẩn của Khoa Luật qua các năm gần đây đều rất cao, năm 2021 điểm chuẩn là 27,75 với tổ hợp khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Theo số liệu khảo sát sinh viên của học viện tốt nghiệp sau 6 tháng, tỷ lệ các em có việc làm đúng chuyên ngành là 92% - một con số khá ấn tượng.

Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cũng thông tin: Điểm học bạ THPT mà thí sinh cần để trúng tuyển vào hầu hết các ngành của trường năm 2022 là 28,25 điểm - tức điểm chuẩn trung bình ở các môn thuộc tổ hợp xét tuyển là gần 9,5 điểm/môn. Điều này được coi như một bước sàng lọc ban đầu để học viện lựa chọn được những em thực sự có tố chất, khả năng để có thể theo học tại trường.

Từ nay đến 20/8, các thí sinh có quyền đổi nguyện vọng xét tuyển của mình nên cần cân nhắc thật kỹ.
Từ nay đến 20/8, các thí sinh có quyền đổi nguyện vọng xét tuyển của mình nên cần cân nhắc thật kỹ.

Điểm chuẩn các ngành sẽ có sự cạnh tranh

Với tổng số 5.830 chỉ tiêu xét tuyển trong năm 2022, ngoài xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn căn cứ theo kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng như kết quả học tập (Học bạ) bậc THPT của thí sinh để xét tuyển.

TS Nguyễn Viết Đăng - Trưởng ban Quản lý Đào tạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, so với những năm trước, mức yêu cầu xét tuyển bằng học bạ THPT năm nay có phần cao hơn để đảm bảo chất lượng đầu vào. Nhà trường dành một nửa tổng chỉ tiêu cho xét học bạ với điểm chuẩn là 20 và các phương thức khác, 50% còn lại xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Thí sinh tới nghe tư vấn xét tuyển năm 2022.

Thí sinh tới nghe tư vấn xét tuyển năm 2022.

Nhìn chung, phương thức tuyển sinh năm 2022 của học viện vẫn giữ ổn định như các năm trước. Các ngành "hot" vẫn là Trồng trọt, Thú y. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng thí sinh lựa chọn ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học đang dần tăng cao.

Năm nay, điểm sàn ngành Khoa học đất là 22 điểm. Với các ngành có sự quan tâm lớn của thí sinh sẽ có sự cạnh tranh cao như Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin. Với sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, quá trình lọc ảo sẽ tốt hơn. Về đối sánh giữa điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh cũng sẽ không có độ chênh lệch quá nhiều.

Năm ngoái, điểm chuẩn vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam đối với học sinh THPT khu vực 3 dao động trong khoảng 15 - 23, tùy từng ngành học. Trong đó, điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng cao nhất trong các ngành với 23 điểm. Tiếp đó là các ngành Luật Kinh tế; Khoa học đất; Phân bón và dinh dưỡng cây trồng chuẩn là 20 điểm. Ngành Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp; Sư phạm Công nghệ điểm chuẩn là 19 điểm...

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), năm nay sẽ không xảy ra tình trạng thí sinh trúng tuyển chính thức 2, 3 phương thức hay 2, 3 trường đại học khác nhau. Hiện nay, nhiều thí sinh đã biết đủ điều kiện trúng tuyển bằng xét học bạ, thi đánh giá năng lực... nhưng nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, thí sinh đó coi như từ chối trúng tuyển. Bên cạnh đó, nếu thí sinh đã được thông báo trúng tuyển 1 nguyện vọng trên hệ thống, các nguyện vọng sau đó đều không còn giá trị. Do vậy, các thí sinh cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.