Thuê nhà mở lớp cho trẻ nhập cư
Lớp học “đặc biệt” này nằm ở số 166 đường Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, gần xóm lao động của người nhập cư ở Sài Gòn, do ông Đoàn Minh Hùng thành lập hơn 6 năm nay.
Đây là nơi gần trăm đứa trẻ nhập cư từ 6 - 7 tuổi đến 14 - 15 tuổi đến tìm kiếm “con chữ”. Ngoài ra, lớp còn có học sinh đến ôn tập bài. Khi gặp bài khó không hiểu, các em đều được tình nguyện viên hướng dẫn và giúp vững kiến thức. Có em lớn tuổi còn được ông Hùng gửi đi học nghề.
Lớp học đặc biệt này còn giúp xóa mù chữ cho người lớn từ 22 - 45 tuổi. Hiện lớp có khoảng 10 người nhóm tuổi này. Do thời nhỏ không có điều kiện đến trường nên họ tìm đến lớp, bắt đầu với những bài vỡ lòng cho đến lúc đọc thông viết thạo.
Người bán vé số, người phụ quán ăn, công nhân... học viên nơi đây ai cũng phải mưu sinh hằng ngày. Đến 17 giờ mọi người tập trung đến lớp cùng nhau ăn bữa cơm chiều, do vợ chồng ông Hùng nấu. Ăn xong, đến 18 giờ 15, các em bước vào lớp học cho đến khi kết thúc (19 giờ 30). Ngoài việc dạy học xóa mù, các em còn được dạy những kỹ năng sống như vệ sinh cơ thể, bảo vệ môi trường, chống xâm hại tình dục, an toàn giao thông…
Từng làm ruộng ở quê (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vùng Tàu), khi hết mùa vụ, vợ chồng ông Hùng lên Sài Gòn thuê nhà trọ để buôn bán. Cùng sống ở một dãy phòng trọ, ông bà thấy thương mấy đứa nhỏ ở gần nhà dù đã lớn nhưng không biết chữ, nên đã kêu bọn trẻ về nhà để dạy. Lúc đó chỉ mong tụi nhỏ có kiến thức để tự tin bước vào đời. Thấm thoắt mới đó mà đã 11 năm, ông gắn bó với việc gieo chữ cho trẻ nhập cư.
Trước đây, vợ chồng ông Hùng bán cơm chay, nhưng sau vì nhiều việc nên chuyển sang bán cà phê, quán chỉ bán buổi sáng đến 15 giờ thì nghỉ để chuẩn bị không gian cho lớp học. Ngoài lo kiếm sống từ quán cà phê, vợ chồng ông Hùng cũng phải dậy sớm từ 5 giờ mỗi ngày để ra chợ bỏ mối rau củ, đồng thời mua đồ về nấu cơm chuẩn bị bữa chiều cho bọn trẻ.
Để duy trì cuộc sống và chăm lo cho lớp học gia đình, ông Hùng đã quyết định bán mảnh đất hương hỏa ở quê, lấy tiền trang trải cho lớp học tình thương, cũng như sinh hoạt trong gia đình.
Cho ước mơ bay cao
Bên cạnh việc học chữ, các em tới lớp còn được ông Hùng dạy đạo đức, cách cư xử đúng mực, lẽ phải, lối làm người. Ông chỉ bảo tụi nhỏ từ câu chào hỏi, tiếng dạ thưa cho tới cách sống, đối nhân xử thế.
Tô Vĩ Khang 16 tuổi (quê Cần Thơ) cho biết: Trước đây không có điều kiện đến trường, biết có lớp học tình thương, gia đình đã xin cho em theo học. “Em đã học ở đây được 12 tháng, ngày nào cũng được ăn cơm miễn phí và ngoài việc học chữ, em còn được dạy làm người. Giờ em đã biết đọc biết viết và được lên lớp 2 rồi”, Khang vui mừng nói.
Nguyễn Tiến Lộc, 14 tuổi (ở quận Tân Phú) đã học ở đây được 6 năm và mới học xong lớp 4. Mặc dù đã nghỉ học nhưng ngày nào Lộc cũng đến lớp, để xem lớp có việc gì thì phụ giúp cho ông Hùng. “Về đây như là về nhà mình, em coi ông Hùng như là ông bà trong nhà. Được ông bà thương, cho ăn học biết đọc biết viết, em vô cùng biết ơn”, Lộc chia sẻ.
Với ông Hùng, mong mỏi duy nhất là mấy đứa nhỏ đi học đều đặn, có cái chữ trong tay, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhiều em sau khi học ở lớp cộng đồng, muốn đi học nghề, cũng được ông hỗ trợ tiền ăn học.
Từ khi ông Hùng mở lớp học cộng đồng đến nay có rất nhiều sinh viên tình nguyện, thầy cô giáo, cả giáo viên về hưu, cùng nhiều nhà hảo tâm đến tham gia đồng hành “tiếp lửa” tri thức giúp. Ngọn lửa nhân văn ông Hùng nhóm lên đã và đang toả sáng, truyền cho những tình nguyện viên, cùng chung tay giúp cho trẻ em nhập cư nghèo theo đuổi sự học, trở thành người có ích.