Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT: Nâng chất đội ngũ thanh kiểm tra thi tốt nghiệp THPT

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT: Nâng chất đội ngũ thanh kiểm tra thi tốt nghiệp THPT

TS Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại về kế hoạch bồi dưỡng, nâng “chất” đội ngũ này.

Tránh chồng chéo

- Tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, giảng viên tham gia công tác thanh/kiểm tra trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 như thế nào, thưa ông?

- Theo hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020 Bộ GD&ĐT vừa ban hành, người tham gia công tác thanh tra/kiểm tra trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.

Đồng thời phải là công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục hoặc người làm công tác thanh tra nội bộ, cán bộ, giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học đối với đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ; là cán bộ của Cục Nhà trường đối với đoàn kiểm tra của Cục Nhà trường; Đã tham dự tập huấn và nắm vững Quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi; được đánh giá đạt yêu cầu qua bài kiểm tra đánh giá.

Đặc biệt, sẽ không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi có người thân (vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột, cha, mẹ, anh ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ) tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi tại Điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi.

- Ngoài lực lượng Thanh tra Bộ và Sở, năm nay có thêm lực lượng thanh tra của tỉnh. Vậy việc phân cấp ra sao để tránh chồng chéo?

- Thanh tra Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và cơ sở giáo dục ĐH, thành lập đoàn thanh tra/kiểm tra các khâu của kỳ thi tại Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, sở GD&ĐT; Hội đồng thi; chỉ đạo hoạt động các đoàn thanh tra/kiểm tra thi theo Quy chế thi và quy định của pháp luật về thanh tra. Việc thành lập các đoàn thanh tra bảo đảm nguyên tắc: Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Thanh tra; chỉ thanh tra viên mới được tiến hành thanh tra độc lập…

Thanh tra tỉnh cử người tham gia đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, đoàn thanh tra của sở GD&ĐT đối với các khâu của kỳ thi tại địa phương;

Thanh tra sở GD&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh và đơn vị thuộc sở tổ chức thành lập đoàn thanh tra/kiểm tra các khâu của kỳ thi: Công tác chuẩn bị tổ chức thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo bài thi tại địa phương.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT: Nâng chất đội ngũ thanh kiểm tra thi tốt nghiệp THPT ảnh 1
TS Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT.

Cán bộ đạt yêu cầu mới tham gia đoàn thanh/kiểm tra

- Một số cán bộ giảng viên chưa nắm chắc quy chế, nghiệp vụ thanh tra vẫn diễn ra tại kỳ thi trước. Vậy phương án khắc phục trong năm nay thế nào?

- Để nâng cao chất lượng cán bộ, giảng viên tham gia thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, năm nay chúng tôi chú trọng trước tiên tới khâu tuyển chọn cán bộ làm công tác thanh tra/kiểm tra.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã quán triệt và chỉ đạo đến từng cơ sở giáo dục ĐH năm nay phải lựa chọn những cán bộ giảng viên có đạo đức, kinh nghiệm… trong công tác thi để tham gia.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn cán bộ thanh tra/kiểm tra thi sẽ được tiến hành qua nhiều bước. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức 2 hội nghị tập huấn ở miền Bắc và Nam cho cán bộ chủ chốt các Sở GD&ĐT và các trường ĐH. Mỗi đơn vị sẽ cử 3 người tham dự. Sau tập huấn, đội ngũ này sẽ tập huấn tại địa phương và trường mình cho cán bộ, công chức tham gia thanh tra và kiểm tra theo quy định.

Các cán bộ, giảng viên sau khi tham gia tập huấn thanh tra đều phải tham gia kiểm tra đánh giá chất lượng. Nếu kiểm tra đạt yêu cầu mới được tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra. Nếu không đạt sẽ kiên quyết thay và không cử cán bộ đó tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi năm nay.

- Lực lượng thanh tra của Bộ được kỳ vọng rất cao. Vậy nội dung tập huấn năm nay đổi mới ra sao để đáp ứng công việc sắp tới?

- Năm nay tài liệu hướng dẫn tập huấn có nhiều nét mới. Ngoài Quy chế thi, Hướng dẫn tổ chức kỳ thi, Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thi còn có Tài liệu điện tử và Sổ tay nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi. Tài liệu điện tử sẽ giúp cán bộ, giảng viên hình dung được các khâu, giai đoạn của quá trình thi bằng mô hình, clip và Infographic chứ không chỉ tập huấn bằng phương pháp truyền thống.

Thời lượng tài liệu hướng dẫn thi điện tử khoảng 1,5 giờ, đưa lên mạng trước để cán bộ tham gia tập huấn nghiên cứu. Trong quá trình tập huấn, cán bộ sẽ tiếp tục xem và lược lại những điểm cần lưu ý, giải đáp thắc mắc.

Đáng chú ý, vì clip tài liệu tập huấn gồm tất cả khâu của thi nên từng đối tượng tham gia tập huấn sẽ nghiên cứu đúng với nội dung cần tập huấn của mình (VD cán bộ coi thi xem ở phần coi thi; chấm thi xem phần chấm thi…). Hơn thế, do được đẩy lên mạng nên cán bộ có thể tải về nghiên cứu bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, công tác tập huấn còn có "Sổ tay công tác thi". Như vậy, cán bộ tham gia tập huấn cần thông tin, hướng dẫn gì có thể mở ra xem bên cạnh nghiên cứu tài liệu hướng dẫn điện tử.

Hiện, các tài liệu tập huấn đang được gấp rút hoàn thiện và đưa vào sử dụng trước khi diễn ra công tác tập huấn chính thức.

- Xin cảm ơn ông!

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, đội ngũ cán bộ giảng viên ĐH được huy động dự kiến khoảng hơn 6.000 người. Bên cạnh đó còn có lực lượng thanh tra của các sở GD&ĐT, địa phương để bảo đảm tốt nhất công tác thanh tra/kiểm tra tại các điểm thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.