Anh chàng tây tần tảo sớm khuya như người Việt
Suốt 4 năm nay, ngày nào cũng vậy, thành phố chưa kịp tắt đèn, trời còn mờ sương, Cliford Alexander Van Toor (để dễ gọi, Lan Trinh đặt tên cho chồng là Líp) thức dậy, lục đục chất xúc xích, bếp lò, vỉ nướng lên xe máy, ra đường Dương Bá Trạc chuẩn bị buôn bán.
Ổ bánh mì xúc xích đầu tiên, anh bán cho học sinh đi học sớm, anh công nhân đến nhà máy vội vã xẹt ngang. Mặt trời càng tỏa nắng, khách của Líp càng đông. Quần quật đến 9 giờ, Líp về nhà ăn cơm, ngủ một giấc lấy lại sức. Đến 3 giờ chiều, anh lại quay ra một bận nữa, buôn bán đến tận 9 giờ tối.
Thấy anh chàng Tây thân thiện, siêng năng, bán thức ăn ngon, hợp vệ sinh nên rất đông người ghé mua ủng hộ. Líp bán mỗi ngày được khoảng trên 1.000 ổ bánh mì.
Líp nói: “Ban đầu sang Việt Nam, tôi sợ mình lạc lõng. Tôi may mắn được mọi người yêu thương. Tôi xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, muốn gắn bó trọn đời ở đây”.
Líp luôn dành cho cô vợ Việt thấp bé của mình sự quan tâm đặc biệt, bằng một tình yêu to lớn. |
Từ ngày tình yêu xuyên biên giới Việt - Hà Lan “đơm bông kết trái”, Líp không cho vợ đi bán nữa, bắt ở nhà nghỉ ngơi, chờ ngày sinh nở. Phụ việc cho anh hằng ngày chỉ còn má vợ (bà Liên) và cậu em vợ (anh Mẫn).
Bà Liên cười giòn: “Từ ngày nó lấy con Trinh, bày ra chuyện bán bánh mì xúc xích, giúp cả nhà tôi có việc làm đó. Tội nghiệp, nó đầu tắt mặt tối lo kiếm tiền, ở đây 4 năm nay mà không có thời gian học tiếng Việt. Tôi thì không biết tiếng Anh, vậy mà tôi nói gì nó cũng hiểu, chỉ biết quơ tay trả lời”.
“Nếu không chú ý vào ngoại hình thì Líp chẳng khác gì một người đàn ông Việt Nam. Bán buôn về, ổng cũng đi chơi, ngồi cà phê với những thanh niên trong xóm. Thích ăn cà pháo mắm tôm, cá khô… chứ không thích ăn đồ Tây”, anh Mẫn cười, nói thêm.
Khởi đầu một ngày mưu sinh vất vả của anh Líp. |
Trong lúc Líp lặng thinh, tập trung nướng xúc xích thì bà Liên cần mẫn cho tương vào bịch, anh Mẫn lăng xăng mang bánh mì ra đưa cho khách. Nhìn hai người Việt Nam thấp bé quấn quýt bên anh chàng Tây cao to gần 1,9 mét, miệng luôn nhoẻn cười, nhiều khách rất ấn tượng.
Mang cái bụng bầu to, chỉ còn vài ngày nữa là sanh, Lan Trinh xúc động nói về anh chồng đảm đang: “Nhiều khi thấy Líp cực khổ quá, tôi cũng muốn ra phụ giúp. Anh ấy dứt quyết không cho, bảo ở nhà nghỉ ngơi, mọi cực khổ hãy để mình anh ấy chịu. Líp muốn mọi điều tốt nhất cho đứa con nằm trong bụng”.
Anh Mẫn phụ giúp người anh rể ngoại quốc buôn bán. |
Tay Líp không ngừng xành xạch quạt than hồng, những chiếc xúc xích trên vỉ tươm mỡ xèo xèo. Quệt vệt mồ hôi rịn trên trán, Líp nở nụ cười hạnh phúc, nói bằng tiếng Anh (dịch sang tiếng Việt): “Chỉ còn vài ngày nữa là Trinh sanh rồi. Sắp có con, tôi càng phải làm cật lực hơn, dành dụm tiền cho con, không còn dám đi chơi với bạn bè nhiều như trước. Giáng sinh sắp tới, tôi cũng không về Hà Lan, ở đây chờ con chào đời”.
“Líp đi lựa từng chiếc tã, cái áo, cái quần, chiếc nôi cho con... Buôn bán ở ngoài đường, chốc chốc anh ấy lại gọi về hỏi thăm tôi, không an tâm khi tôi ở nhà một mình. Tôi mệt là anh Líp chạy về ngay”, Lan Trinh hồ hởi khoe về sự chu đáo của anh chồng Tây sinh năm 1976.
Líp muốn đặt tên con là Taylor, vì ở Hà Lan con gái thường mang tên này. Lan Trinh lại thích tên Mercy. Chiều vợ, Líp đã chọn cái tên mang ý nghĩa may mắn và hạnh phúc này.
Bà Liên rất tự hào về chàng rể ngoại quốc siêng năng, biết yêu thương vợ. |
Bức ảnh định mệnh gắn kết hai cuộc đời
Hai mảnh cuộc đời đã gắn chặt với nhau, như một định mệnh. Ông tơ bà nguyệt đã se duyên cho hai mảnh đời cách xa nhau hàng chục ngàn km, chưa từng quen nhau, yêu nhau chưa tròn năm đã nên vợ, thành chồng…
Lan Trinh kể về cuộc tình xuyên biên giới của mình: “Trước đây tôi làm nhân viên ở một cửa hàng bán áo dài trên đường Nguyễn Huệ. Một khách Hà Lan đang du lịch ở Việt Nam, trước khi về nước đã đến cửa hàng lựa mua áo dài làm kỷ niệm. Anh này có xin chụp chung với tôi tấm ảnh. Không ngờ, nhờ tấm ảnh đó, sau này cuộc đời tôi đã gắn với Líp”.
Bánh mì xúc xích của Líp được nhiều người yêu thích. |
Vài tháng sau, Lan Trinh đón tiếp một anh chàng Tây khác đến cửa hàng. Điều kỳ lạ là anh Tây trẻ cứ lúng ta, lúng túng. Sau đó, anh chàng đến gần, ngại ngần mở điện thoại cho cô xem một bức ảnh. Lan Trinh rất ngạc nhiên nhận ra bức ảnh mình đã chụp chung với vị khách nước ngoài lần trước.
Líp thật thà cho kể cho Lan Trinh biết lý do mình có được bức ảnh đó: Sau khi về Hà Lan, người bạn thân đã kể cho anh nghe về chuyến du lịch thú vị ở Việt Nam, cũng như về những con người thân thiện ở đó. Người bạn này còn nhiệt tình giới thiệu: “Tao có biết một cô bé này hay lắm. Mày thử đến Việt Nam du lịch một chuyến cho biết, sẵn tìm cô ấy làm quen đi”.
Nghe người bạn kể, Líp thích lắm. Đang rảnh rỗi, sẵn máu phiêu lưu trong người, chàng Líp quảy ba lô, quyết định đến Việt Nam du lịch.
“Hành trang quan trọng mà tôi mang theo chính là bức ảnh của người bạn thân chụp chung với cô gái Việt Nam xa lạ, cùng mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ cửa hàng cô ấy đang làm”, Líp nhớ lại.
Không biết nói tiếng Việt, anh Líp chỉ lặng thinh nướng xúc xích, thỉnh thoảng nhìn lên nhoẻn nụ cười thân thiện với khách. |
“Líp không ngại ngần, thật thà nói với tôi là anh rất nghèo. Mẹ Líp mất vì bệnh ung thư lúc anh mới 8 tuổi, cha bước thêm bước nữa, anh sống cùng bà ngoại. Sau khi giải ngũ, anh đi làm công nhân ở một xưởng cơ khí, cuộc sống khá chật vật. Chính sự chân thành ấy đã làm tôi rung động", chị Trinh kể.
Tiếng Việt không rành, sống ở Việt Nam, Líp không có việc làm... Gia đình của Lan Trinh không khá giả nên chẳng giúp được gì.
Nằm nhà gần 1 năm, một người bạn đồng hương của Líp giúp anh lấy xúc xích thô về nướng, kẹp bánh mì bán ở vỉa hè. Lan Trinh đã kể cho Líp về những khó khăn của nghề buôn thúng, bán bưng ở vỉa hè. Nghe xong Líp cười xòa: “Không sao đâu, anh chịu được”. Nghe Líp nói vậy, Lan Trinh tự tin hẳn. Đang có công việc ổn định, Lan Trinh xin nghỉ việc, hằng ngày ôm nồi, xoong, bếp ra vỉa hè sân vận động Hoa Lư.
Một thời gian sau, vợ chồng Líp dời về địa chỉ 174 Dương Bá Trạc (quận 8), thuê mặt bằng, buôn bán đến tận bây giờ. Sau 4 năm dành dụm, vừa rồi Líp mua được chiếc SH, để hằng ngày thuận lợi trong việc dọn hàng. Có xe SH nhưng Líp vẫn không chịu bán chiếc xe cũ nhiều kỷ niệm thời nghèo khó.
Lan Trinh hạnh phúc bên anh chồng Tây giỏi giang. |
“Có con rồi, tôi phải làm nhiều hơn để mua nhà, lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Không thể ở nhà trọ mãi". Líp chia sẻ.
Líp ưu tư: “Tôi và Lan Trinh đến với nhau, có đăng ký kết hôn nhưng tôi không thể nhập quốc tịch Việt Nam vì còn thiếu nhiều điều kiện, trong đó có việc tôi không biết nói tiếng Việt. Tôi chỉ có thẻ cư trú dài hạn, cứ 3 năm gia hạn một lần. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ mình là người Việt Nam, rất Việt Nam nữa là đằng khác. Tôi yêu cuộc sống thư thả ở Sài Gòn này lắm”.
Do không có quốc tịch Việt Nam, Líp không đứng tên chủ sở hữu bất kỳ tài sản nào. Lan Trinh cười: “Líp làm ra bao nhiêu tiền đều đưa cho tôi giữ. Anh ấy nói: Cái nghèo mang hai đứa đến bên nhau, chỉ có lòng tin làm tài sản. Bây giờ có cuộc sống ổn định, cùng nhau chăm lo cho con. Líp chẳng bận tâm ai đứng tên tài sản”.
Ngoài chăm nom cho gia đình nhỏ, Líp rất thích làm các việc cộng đồng. Thỉnh thoảng anh rủ vợ đi dạy tiếng Anh cho trẻ mồ côi, mang quà vào viện dưỡng lão. Líp cười tươi: “Tôi có cuộc sống ổn định là do Chúa ban cho. Tôi phải san sẻ lại cho những người kém may mắn. Cho đi thì sẽ được nhận lại…”.