Quả là như vậy. Hai vụ tai nạn do lái xe ô tô gây ra cách nhau một năm đã phản ánh chính xác lời của giáo viên dạy lái xe trên đây.
Một tối tháng 10/2018, tại Ngã tư Hàng Xanh (TPHCM) xảy ra một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng: Trong lúc nhiều người đang dừng chờ đèn đỏ thì một chiếc xe Mecrcedes từ sau lao tới, tông thẳng vào đám người này. Người và xe máy nằm la liệt sau cú tông thẳng ấy. Một người đã tử vong, 5 người khác bị thương.
Tài xế chiếc “xe điên” kia là chủ một nhà hàng ở TPHCM. Khám nghiệm hiện trường, công an phát hiện nữ tài xế không có bằng lái xe, người nồng nặc mùi rượu. Xét nghiệm máu thì thấy rằng độ cồn trong máu của người phụ nữ này vượt ngưỡng cho phép. Khai với cơ quan điều tra, bà ta nói rằng do đi giày cao gót, lại nhầm chân phanh với chân ga. Thay vì giẫm phanh, bà đã giẫm chân ga!
Hôm 20/11, tại khu vực cầu vượt Lê Văn Lương đi Láng Hạ (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), một chiếc Mercedes cũng do một phụ nữ lái, đã tông thẳng vào số người đi xe máy và xe đạp điện trước mặt khiến một người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương nặng, chiếc ô tô bị cháy rụi. Người lái chiếc xe gây tai nạn này, khai với cơ quan công an rằng bà là chủ nhân chiếc xe Mercedes nói trên. Nguyên nhân vụ tai nạn là do bà nhầm chân ga với chân phanh. Hình ảnh do camera ghi lại cho thấy, nữ tài xế mang giày cao gót.
“Kịch bản” dẫn đến hai vụ tai nạn nói trên đều giống nhau: Xe do phụ nữ lái, cả hai cùng đi giày cao gót và đều… nhầm phanh với ga!
Ở phương Tây có câu cửa miệng: “Bán xăng cho phụ nữ là tội ác”. Câu nói có phần “kỳ thị giới tính” này nói lên một điều rằng, không nên để phụ nữ làm tài xế.
Ông Nguyễn Văn Thể, trong một phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội giữa năm nay đã cực lực phản đối tình trạng “phân biệt” này và đưa ra con số từ 2016 - 2018, số liệu báo cáo từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, nam giới chiếm 87% số vụ tai nạn giao thông, trong khi nữ giới chỉ chiếm 13%.
Vậy vì sao chuyện nhầm chân ga với chân phanh lại chỉ có ở phụ nữ? Có lẽ nam giới cũng nhầm ga với phanh nhưng không được nhắc đến do họ không đi giày cao gót chăng?
Qua hai vụ tai nạn dẫn ra ở trên thì thấy rằng, việc đổ lỗi cho giày cao gót là không thuyết phục. Lái xe không cần quá nhiều “chất xám”, nó chỉ là thao tác theo thói quen. Nếu dành thời gian để thực hành cho nhuần nhuyễn, lái xe đã thành phản xạ tự nhiên thì chuyện nhầm ga và phanh sẽ không bao giờ xảy ra.
Tình trạng “học lái xe siêu tốc”, thậm chí không học vẫn lấy được bằng như ở Gia Lai ra tận Hải Phòng để thi lấy bằng hay học lái xe chỉ để “giải quyết khâu oai”, thì chuyện nhầm ga và phanh là điều không lạ.