Chấn chỉnh đào tạo liên thông nhằm bảo đảm lợi ích của người học

Chấn chỉnh đào tạo liên thông nhằm bảo đảm lợi ích của người học
(GD&TĐ)-Việc chấn chỉnh đào tạo liên thông để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng, bảo đảm lợi ích căn bản và lâu dài của người học - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trả lời băn khoăn liên quan đến quy định mới trong đào tạo liên thông trong chương trình trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận . Ảnh:VGP
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận . Ảnh:VGP
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GD&ĐT không dừng đào tạo liên thông, việc đào tạo liên thông sẽ được tiếp tục, mà chỉ triển khai các giải pháp để đưa liên thông trở về đúng bản chất của nó. Đào tạo liên thông hiện nay được hiểu là một hệ đào tạo, điều này không đúng với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Theo quy định, chúng ta chỉ có 2 hệ đào tạo là đào tạo chính quy và đào tạo giáo dục thường xuyên, thường được gọi là tại chức. Đào tạo liên thông nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. 
Đào tạo liên thông chỉ là cách tổ chức đào tạo, trong đó thừa nhận kết quả học tập đã có của người học ở bậc đào tạo trước đó khi tham gia học tập ở bậc cao hơn, nhằm giảm thời gian học tập, chứ không phải là hệ đào tạo mới. Do đó đào tạo liên thông phải tuân thủ theo quy định hoặc của hệ chính quy, hoặc của hệ thường xuyên, chứ không có quy định riêng. 
Cách hiểu không đúng về đào tạo liên thông khiến xã hội coi việc học trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề, cao đẳng như là “đường vòng, đường tắt” để học đại học. Trong khi đó, việc phát triển các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng là nhằm mục đích phân luồng, giúp xã hội bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các loại trình độ đào tạo. Nếu coi học trường nghề, cao đẳng là một phương tiện để vào đại học thì mục đích phân luồng  thất bại. 
Liên quan đến đào tạo nhân lực tài chính ngân hàng, Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT không có chủ trương dừng đào tạo các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán mà chỉ dừng mở mới cơ sở đào tạo và các ngành đào tạo nói trên. Những cơ sở đào tạo đã được phép đào tạo vẫn tuyển sinh bình thường trong năm học tới. Việc làm này nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo ở bậc đại học, hạn chế những ngành đã đào tạo tương đối đầy đủ nguồn nhân lực, khuyến khích mở mới những ngành đạo tạo mà nhu cầu trong những năm tới rất cần nhưng hiện quy mô đào tạo chưa đủ. Hiện, số lượng sinh viên các ngành nói trên ra trường mỗi năm rất lớn. Theo một con số do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính vừa công bố, trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không xin được việc sẽ là khoảng 13.000 người.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, có hai nguyên nhân khiến số lượng các cơ sở đào tạo cũng như số lượng sinh viên theo học các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán tăng mạnh. Đó là nền kinh tế phát triển mạnh trong thời gian qua khiến số lượng doanh nghiệp tăng mạnh, nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực này rất lớn. Trong khi đó, việc đào tạo các chuyên ngành này không cần trang thiết bị nhiều so với các ngành khác. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, nhu cầu nguồn nhân lực trong các ngành này giảm đi.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho từng ngành, từng địa phương. Do đó, nhu cầu xã hội và khả năng đào tạo của tất cả các ngành sẽ được thống kê, theo dõi để các thí sinh cân nhắc, các trường cũng có thể tự đánh giá khả năng xã hội tiếp nhận nguồn lao động do mình đào tạo.
Trong những năm tới, Bộ GD&ĐT coi việc chấn chỉnh lại kỷ cương trong đào tạo là một nhiệm vụ trọng tâm, không giới hạn trong các ngành ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán mà ở tất cả các ngành. Bộ GD&ĐT sẽ cập nhật, có giải pháp hạn chế hoặc khuyến khích các ngành học để bảo đảm đào tạo cân đối, phù hợp nhu cầu. Thông tin về ngành tài chính, ngân hàng là thông báo đầu tiên, tiếp theo sẽ có nhiều thông báo khác và việc này sẽ được làm định kỳ, thường xuyên. 
Lập  Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ