Tác phẩm “Tờ quyết định đặc biệt” (MS 19) đã thuyết phục Ban giám khảo ở cách viết súc tích, mà đầy xúc động không chỉ ở một tình huống nhân văn của một người thầy với học trò, mà còn là sự thể hiện một nhân cách ứng xử nhân văn đầy tính giáo dục của một thầy giáo có tâm và có tầm.
Tờ quyết định chưa có tiền lệ cho phép học sinh đến lớp không cần dép đã làm thay đổi tư duy và cuộc đời một học sinh nghèo ở vùng quê cách đây 40 năm. Nếu không có cái nhìn sâu vào cảnh ngộ của học trò, bằng cái nhìn nhân văn thì có lẽ số phận cậu học trò không biết bây giờ sẽ như thế nào.
Cậu học trò, giờ là đại tá quân đội, đã rưng rưng mỗi lần nhớ lại câu chuyện cũ. Anh vẫn giữ tờ quyết định ấy, như là một kỷ vật, minh chứng cho một tấm lòng cao cả và sự nhân văn, cho một nhân cách lớn lao của một người thầy mà anh may mắn được gặp trong đời.
Với cách viết lôi cuốn, chi tiết ngồn ngộn, tác giả đã khiến người đọc xúc động. Xã hội rất cần những người thầy như trong tác phẩm của anh. “Tờ báo tường đoạt giải nhất” ( MS 97) là câu chuyện kể về việc làm tờ báo tường có sự tham gia của các thành viên trong lớp tùy theo khả năng viết vẽ của từng người.
Cốt truyện tưởng như giản đơn nhưng ý nghĩa hàm ngôn rất lớn). Tác phẩm gợi sự liên tưởng về câu chuyện đoàn kết và sức mạnh của vai trò tập thể trong cuộc sống. Nếu ích kỷ, tham lam với thành tích cá nhân, con người sẽ bị thất bại trong cuộc sống.
Mã số 90 trong tác phẩm “Ánh đèn khuya” kể về ánh đèn học trong đêm của một người con trong lần thi tú tài trước ngày giải phóng. Bao lần người con muốn đi ngủ sớm, nhưng vẫn thấy ở phòng bên, đèn cha thắp sáng.
Bỏ tiếng Pháp đã lâu, song người cha vẫn ôn lại Pháp văn để dạy con học. Cho đến một ngày người con phát hiện ba mệt, mẹ thay cha chong đèn thức để có bạn cùng con học trong đêm.
Người con xúc động, lo học hành và đã thi đỗ nhờ tấm ân tình và chăm sóc chu đáo của gia đình, đặc biệt là của cha mẹ trong những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời. 5 tác phẩm đoạt giả Ba đều gợi trong lòng bạn đọc những cảm thức nhân văn, xúc động về con người.
Nếu tình phụ tử và ký ức ngọt ngào rưng rưng về cha thể hiện xuất sắc trong tác phẩm “Bố và mùa thi”( MS 155); “Nín đi con, có bố đây rồi” ( MS 194) thì “Bài văn viết dưới mái nhà dột” (MS 50) lại khiến người đọc xúc động đặc biệt bởi tác phẩm đã chạm vào nỗi nhớ về một thời gian khổ đã qua, bởi trong mái nhà dột ấy, tấm lòng người mẹ đã không chỉ chở che cho mưa gió ngoài trời mà còn chở che cho mưa gió cuộc đời.
3 tác phẩm viết về cha, mẹ với cách viết lôi cuốn ngập tràn cảm xúc đưa con người về một thời nhung nhớ, mà hơi ấm của tình yêu thương trong sự yêu thương của gia đình đã giúp con người trưởng thành.
Ở đâu đó có hơi ấm của tình yêu gia đình, thì ở đó có sự trưởng thành và nhân văn, ở đó có sự thành đạt và tri ân của những người con hiếu thảo. “Hộp nhạc” ( MS 37), là ký ức của một thời tuổi trẻ sống trong chiến tranh, với những nỗi vui buồn.
Qua “Hộp nhạc” người đọc nhận ra cung điệu của tình bạn, sắc màu cuộc sống, với kẻ còn người mất. Hình ảnh một người đàn ông tóc bạc trở về quán xưa để cố tìm trong ký ức gương mặt và bóng hình giữa âm thanh náo nhiệt của Sài thành đã khiến chúng ta nao lòng.
Sự trở về ấy để kiếm tìm kỷ niệm xưa đã trở thành vô vọng, vì tất cả đã đổi thay... “Bác bảo vệ và cái lỗ thủng hàng rào “ ( MS 153) là câu chuyện hay về ứng xử tình huống. Học trò trốn học, sợ vào muộn đều phá rào tre để tránh sự xuất hiện của thầy cô. Bị bảo vệ phát hiện học trò, lúng túng.
Bác bảo vệ sau khi rào lại đã bảo, nếu các cháu thích chui rào thì bác để cho một lỗ. Lời bác bảo vệ nhắc nhở “Còn nhỏ đã phá được hàng rào làm bằng tre nứa, mai này phải đối mặt với nhiều chuyện lớn hơn rồi phá những hàng rào lớn hơn thì nguy hiểm lắm” là sự cảnh báo nhắc nhở đầy ý nghĩa mang tính giáo dục và nhân văn.
Mỗi bài đều mang một vẻ đẹp của hình thức và nội dung. Chuyển tải thông điệp cuộc sống đến độc giả, bằng tri thức, tấm lòng và tâm huyết, với những cảm nhận sâu sắc về quá khứ, hiện tại, tương lai các tác giả đã chuyển tới chúng ta cái nhìn nhân văn, đầy tính giáo dục.
Báo GD&TĐ chân thành cảm ơn Trường Trung cấp Dược Hà Nội đã đồng hành suốt cuộc thi này.