Chăm lo đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã công bố đề tham khảo cho 15 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Dù là năm cuối cùng thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2006 và khẳng định kỳ thi, đề thi cơ bản giữ ổn định, Bộ GD&ĐT vẫn công bố đề tham khảo cho 15 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Điều này thể hiện trách nhiệm và tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh mà Bộ GD&ĐT đã kiên trì nhiều năm nay.

Về phía các nhà trường, kế hoạch ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT thường được xây dựng từ đầu năm học. Bởi vậy, công tác ôn tập không phụ thuộc vào đề tham khảo; nhưng đây luôn là tài liệu được giáo viên, nhà trường mong đợi để triển khai ôn tập sát hơn, đúng hướng và hiệu quả hơn.

Chính vì vậy, đề tham khảo ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đã được nhà trường chuyển đến tổ nhóm chuyên môn, giáo viên để phân tích về cấu trúc, ma trận, mức độ đề, nội dung kiến thức…; từ đó điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho phù hợp. Đây cũng là tham khảo quan trọng để nhà trường xây dựng câu hỏi, đề kiểm tra, ôn tập..., tạo ngân hàng đề phục vụ hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá và ôn thi.

Giáo viên bộ môn nhanh chóng cho học sinh tiếp cận và chữa đề tham khảo, từ đó có hình dung sát nhất với đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Việc triển khai đề tham khảo; xây dựng đề, chuyên đề ôn tập thường không chỉ giới hạn ở cấp trường mà mở rộng ra quy mô cụm trường, toàn tỉnh/thành dưới sự chỉ đạo của sở GD&ĐT.

Triển khai ôn tập từ đề tham khảo là công việc quen thuộc, trở thành kỹ năng của giáo viên. Tuy nhiên, năm nay đề có điểm mới là sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình GDPT 2018. Dù câu hỏi vận dụng theo hướng trên chỉ là số ít, nhưng thầy cô nên lưu ý cập nhật; cho các em rèn luyện, kiểm tra với các hình thức đa dạng hơn để tránh bỡ ngỡ.

Bên cạnh đó cũng có trường hợp thầy cô vận dụng đề tham khảo cứng nhắc, như bám vào nội dung kiến thức từng câu hỏi trong đề để ôn tập; trong khi kiến thức chương trình học rộng và không thể hiện hết trong một đề thi. Mức độ khó dễ giữa đề tham khảo, đề chính thức không hoàn toàn trùng khớp. Do đó, dạy và học tủ theo đề tham khảo cần tuyệt đối tránh.

Đề tham khảo cũng không nên là tài liệu duy nhất. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành từng nhắn nhủ “tài liệu chính để học sinh ôn tập vẫn là sách giáo khoa và vở ghi các bài đã học, dạng câu hỏi, bài tập, bài thực hành... đã làm trong quá trình học tập. Học sinh cần dựa vào đó để ôn tập thật chắc từng đơn vị kiến thức cơ bản”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 khá đặc biệt bởi đây là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006. Kế hoạch tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2023 - 2024 của một số địa phương, nhà trường còn khẳng định dồn lực, quan tâm, chăm lo đặc biệt cho những thí sinh thi tốt nghiệp năm nay; phấn đấu không để học sinh học chương trình 2006 nào trượt tốt nghiệp; nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp và cải thiện chất lượng điểm bình quân mỗi môn học của từng nhà trường. Quyết tâm này được thể hiện bằng việc triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể, trong đó có việc phát huy tốt nhất đề tham khảo để nâng cao hiệu quả ôn thi tốt nghiệp THPT.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ