Chấm điểm trên bằng lái: Ra đường như đi thi

GD&TĐ - Khi lực lượng chức năng được phép trừ điểm trong giấy phép lái xe (GPLX) thì người tham gia giao thông “mỗi lần ra đường như một lần đi thi”. Nếu không thực hiện tốt thì có thể gây phức tạp tình hình.

Lực lượng CSGT kiểm soát giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A.
Lực lượng CSGT kiểm soát giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A.

Thi lại GPLX nếu hết điểm

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất GPLX được cấp 12 điểm mỗi năm và đưa vào Nghị quyết 123 sau phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 8/2020. Việc này nhằm khuyến khích tài xế chấp hành tốt quy định của Luật Giao thông và bảo đảm việc công bằng, thưởng phạt phân minh.  

Cụ thể, Chính phủ thống nhất quy định GPLX được cấp 12 điểm/năm. Nếu trong 1 năm mà bị trừ điểm hết thì phải thi lại GPLX. Nếu không bị trừ hết điểm thì cơ quan chức năng phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Nếu trong 1 năm tài xế không có vi phạm thì được cộng điểm, hoặc khôi phục điểm cho GPLX hằng năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.

Chính phủ khẳng định việc cộng, trừ điểm trong GPLX chỉ là một biện pháp quản lý, chứ không phải là hình thức xử phạt hành chính. 

Về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ giao Bộ Công an khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.

Lãnh đạo Cục CSGT cũng cho hay, trong dự thảo lần tới, đơn vị sẽ tiếp thu và bổ sung theo chỉ đạo của Chính phủ. Như vậy, 12 điểm được quy định trong bằng lái tương ứng với 12 tháng trong năm.

Bộ Công an sẽ không để trực tiếp điểm số trên bằng lái mà mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu bằng lái. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống dữ liệu và khi xử lý vi phạm, CSGT chỉ cần tra trên máy là biết các tài xế còn bao nhiêu điểm.

Trước đó, trong dự thảo lần 2 Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông được Bộ Công an trình Chính phủ và lấy ý kiến người dân, bộ, ban, ngành, Bộ này đề xuất trừ điểm bằng lái xe và quy định mỗi bằng lái có 12 điểm. Trong dự thảo, Bộ Công an cũng đề xuất hơn chục lỗi vi phạm sẽ áp dụng hình thức trừ điểm bằng lái như: Sử dụng điện thoại, chạy quá tốc độ, xe quá niên hạn, dừng đỗ trái phép, chở quá số người được phép chở…

Cần điều chỉnh những phát sinh, rắc rối

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, mục đích của quy định này là tăng cường công tác quản lý. Nó cũng nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân.

“Đây không phải là một hình thức xử phạt. Nhưng là biện pháp xử lý hành chính như hình thức tước GPLX. Tuy nhiên, quy định này có thể gây tốn kém, lãng phí và chưa chắc đã mang lại hiệu quả như mong đợi…”, luật sư Cường bày tỏ.

Nếu quy định này được thông qua thì cần phải đầu tư chi phí về phương tiện kỹ thuật, tài chính để ghi nhận điểm số trên GPLX, tính điểm, trừ điểm, quản lý dữ liệu và nhân lực để triển khai thực hiện công việc này. Đồng thời, sẽ phải sửa đổi một số văn bản pháp luật khác cho đồng bộ với quy định pháp luật này trong đó có Luật Giao thông đường bộ.  

Quy định này sẽ tăng thẩm quyền cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm, Từ đó, sẽ gia tăng nguy cơ đưa hối lộ, “xin - cho”. 

Khi lực lượng chức năng được phép trừ điểm trong GPLX thì người tham gia giao thông “mỗi lần ra đường như một lần đi thi”. Lực lượng thi hành công vụ trong lĩnh vực này giống như những thầy giáo, giám khảo với vai trò “chấm thi”. Sẽ có chuyện tranh luận, trừ điểm, tranh cãi, khiếu kiện, nếu không thực hiện tốt thì có thể gây phức tạp tình hình... 

“Bởi vậy sẽ cần phải có những biện pháp và giải pháp để tăng cường ý thức, đạo đức của người thi hành công vụ trong việc phát hiện, xử lý, giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc chấm điểm này…”, luật sư Cường bày tỏ.

Nói về 28 hành vi (lỗi liệt kê) trong văn bản để có thể trừ điểm, luật sư Cường cho biết đã bao quát hầu hết các lỗi vi phạm phổ biến và gây tăng thêm áp lực cho người tham gia giao thông. Bởi có những vi phạm có thể do lỗi vô ý, do hạ tầng giao thông hoặc do chính người điều khiển, thiết bị, hạ tầng giao thông…

Mục đích của việc chấm điểm là quản lý đối với những người có lỗi vi phạm mang tính chất hệ thống, tước GPLX yêu cầu thi lại để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông. 

“Vấn đề này không nghiêm khắc bằng chế tài tước GPLX trong vòng 24 tháng, phạt đến 40 triệu đồng như vi phạm nồng độ cồn mà pháp luật đang quy định. Bởi vậy, nếu muốn tăng cường công tác quản lý bằng cách tăng cường chế tài thì có thể đưa ra quy định tước GPLX vĩnh viễn hoặc cấm lái xe trong một thời gian dài hơn. Không nên đưa ra quy định chấm, trừ điểm sẽ tạo ra sự rườm rà, phức tạp và hiệu quả không cao…”, luật sư Cường bày tỏ.

Luật sư Cường giải thích thêm, nếu cần bổ sung thêm các chế tài và các biện pháp hành chính nghiêm khắc hơn thì phải phân biệt được 2 lỗi cơ bản: Lỗi cố ý và lỗi vô ý của người tham gia giao thông. Với lỗi vô ý thì có thể nhắc nhở hoặc xử phạt với mức thấp. Còn với lỗi cố ý vi phạm như sử dụng rượu bia, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, quá tải, quá số người quy định... thì sẽ xử phạt với mức nghiêm khắc hơn, thậm chí tước GPLX.

Luật sư Cường cũng bày tỏ, tâm lý chung của người tham gia giao thông ít ai muốn vi phạm. Nếu việc xử lý giao thông nghiêm minh, công bằng, không có chuyện “xin – cho” thì cũng sẽ ít ai dám vi phạm Luật Giao thông.

“Có lẽ khi nội dung này đưa ra bàn thảo trước Quốc hội thì sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, nếu Quốc hội thông qua thì cần phải tính toán đến chi phí để thực hiện, nhân lực để thực hiện, đánh giá những tác động của nó cả mặt tiêu cực và tích cực đối với xã hội để xem xét, cân nhắc có nên bổ sung quy định này hay không…”, luật sư Cường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ