Sát hạch giấy phép lái xe: Dùng công nghệ giám sát học viên

GD&TĐ - Từ 1/1/2020, hoạt động đào tạo, sát hạch, thi giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có nhiều điểm mới. Đáng chú ý là, việc ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát học viên trong quá trình học và sát hạch tại các trung tâm...

Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng một trung tâm quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX để thực hiện việc giám sát trực tuyến trên toàn quốc
Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng một trung tâm quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX để thực hiện việc giám sát trực tuyến trên toàn quốc

Những điểm mới
Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 1/1/2020, công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX sẽ có nhiều thay đổi so với hiện nay.

Theo đó, sẽ bổ sung nội dung đào tạo phòng chống tác hại rượu bia; Bổ sung nội dung học xử lý các tình huống giao thông qua phần mềm mô phỏng từ ngày 1/1/2021; Bổ sung nội dung học trên ca bin tập lái xe (từ năm 2021).

Cơ sở đào tạo lắp thiết bị theo dõi và giám sát thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1) từ ngày 1/5/2020.

Cơ sở đào tạo trang bị ca bin học lái xe ô tô trong năm 2021 để bổ sung kỹ năng lái xe trên đường cao tốc, đường đèo núi, đường trơn trượt… Cơ sở đào tạo lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên trên xe tập lái trong năm 2021.

Bổ sung nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông từ 1/5/2021. Lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, các bài sát hạch lái xe trong hình và truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền để công khai từ ngày 1/1/2020.

Công khai giám sát

Ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, trước đây, trong chương trình đào tạo lái xe chưa có nội dung về phòng chống tác hại của rượu bia. Thời gian vừa qua có nhiều vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra nên cần thiết phải đưa vào chương trình để học viên có nhận thức ngay từ đầu. 

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, ông Thống nhấn mạnh, quy định thời gian học lý thuyết vẫn như vậy nhưng không có việc giám sát, bây giờ tổ chức giám sát bằng vân tay hoặc khuôn mặt để học viên vào học phải đăng ký và theo dõi học đủ thời gian mới được thi.

Để thực hiện việc giám sát, Tổng cục Đường bộ sẽ có một phòng quan sát camera, theo dõi các hoạt động sát hạch để bảo đảm việc công khai giám sát.

Cùng với đó, từ ngày 1/6/2020, GPLX khi cấp mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin liên kết với hệ thống thông tin quản lý bao gồm cả mã số của cơ sở đào tạo lái xe.

Từ đó, cơ quan quản lý Nhà nước có thể dễ dàng thống kê được số lượng và loại lỗi vi phạm của cựu học viên theo từng cơ sở đào tạo lái xe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ