'Challenger 2 cháy đượm là quảng cáo tồi cho siêu tăng'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Theo Michael Maloof, việc chiếc Challenger 2 đầu tiên Anh viện trợ cho Kiev bị phá hủy là quảng cáo tồi cho dòng tăng được coi là tốt nhất thế giới.

Hình ảnh Challenger 2 bốc cháy tại Zaporizhzhia.
Hình ảnh Challenger 2 bốc cháy tại Zaporizhzhia.

Thiếu kinh nghiệm thực chiến

Nhận định được Michael Maloof, cựu nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra sau khi chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 của Ukraine bị Nga phá hủy tại mặt trận Zaporizhzhia.

Xe tăng chiến đấu chủ lực của Anh, được đưa vào sử dụng năm 1994, đã bị đập tan trong chiến đấu lần đầu tiên sau gần 30 năm.

Trước đó, một chiếc Challenger 2 khác cũng bị hỏng nặng vào năm 2003, sau khi bị trúng đạn ở Iraq.

"Những lần bị trúng đạn và bị phá hủy như vậy là cách quảng cáo tồi cho xe tăng Challenger 2 - vốn định dùng chiến sự để quảng cáo về sức mạnh chiến đấu và phòng thủ của dòng xe tăng luôn được phương Tây coi là tốt nhất", Michael Maloof nói.

Vị chuyên gia này cho biết thêm: "Thực tế bị phá hủy cho thấy Challenger 2, giống như bất kỳ thiết bị nào khác được triển khai, chúng có thể bị phá hủy bất cứ lúc nào nếu trúng đạn. Không có gì là không thể phá hủy.

Tuy nhiên, điều đó cũng chứng tỏ rằng người Ukraine thực sự không được trang bị đầy đủ. Họ có số lượng Challenger 2 rất hạn chế. Họ chỉ có 14 chiếc. Và quá trình đào tạo của họ rất ngắn. Bạn cần hàng tháng trời đào tạo còn họ thì không.

Tôi muốn nói thêm rằng đó là những gì chúng ta đang gặp phải với những chiếc F-16, các phi công không chỉ phải học cách lái chiếc F-16 mà họ còn phải học tiếng Anh trước tiên bởi tất cả các hướng dẫn đều bằng tiếng Anh.

Và tôi chắc chắn rằng thực tế này đều xảy ra với tất cả những vũ khí do phương Tây cung cấp cho Kiev bởi chúng đều được hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh với nhiều câu cú phức tạp. Đây rõ ràng là thử thách lớn với binh sĩ Kiev".

Maloof cho rằng, tình hình có thể còn trở nên tồi tệ hơn với lực lượng tăng thiết giáp Kiev trong thời gian tới do thời tiết thay đổi.

"Thời tiết sẽ sớm thay đổi. Vì vậy, xe tăng có thể hoạt động kém hiệu quả, chúng có thể bị sa lầy, khiến chúng trở thành mục tiêu hứng đạn của lực lượng Nga. Thách thức này không chỉ dừng lại với Challenger 2, Leopard mà cả với Abrams", chuyên gia Mỹ nói.

Maloof lưu ý rằng lý do Challenger 2 trước đây được coi là dòng xe tăng bất bại trên chiến trường bởi số lần chúng xuất hiện trong các cuộc chiến chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chính vì vậy, những chiếc Challenger 2 hầu như không phải đối mặt với các kiểu chiến tranh mà xe tăng Abrams, Leopard và các loại khác đối mặt. Ngược lại, xe tăng Nga có nhiều kinh nghiệm hơn trên nhiều chiến trường khác nhau.

Theo ông, do quân đội Nga có sức mạnh không quân đáng kể và khả năng phòng thủ rất đáng gờm, nên xe tăng Challenger 2 của Ukraine đang phải đối mặt với loạt nguy cơ không chỉ tại mặt trận Zaporizhzhia mà trên hầu khắp các điểm nóng chiến sự trong thời gian tới.

Challenger 2 bị phá hủy

Nhận định của chuyên gia Maloof được đưa ra ngay sau khi hình ảnh một chiếc Challenger 2 bốc cháy ở tỉnh Zaporizhzhia được công bố.

Tờ Forbes đăng tải đoạn video được tài khoản chuyên theo dõi tình hình chiến sự tại Ukraine là OSINTtechnical cho thấy một chiếc Challenger 2 cháy rụi trên tuyến đường gần Rabotino, ngôi làng chiến lược ở tỉnh Zaporizhzhia được quân đội Ukraine giành lại hồi tuần trước sau gần 3 tháng phản công.

"Đây là lần đầu tiên Kiev mất xe tăng Challenger 2 do Anh cung cấp trên chiến trường. Quân đội Ukraine biên chế tổng cộng 14 chiếc, họ từng đề cao sức mạnh của loại xe tăng này trong video phỏng vấn các binh sĩ Lữ đoàn Xung kích đường không số 82 được công bố trước đó vài ngày", chuyên gia David Axe viết trên Forbes.

Chưa rõ chiếc Challenger 2 bị phá hủy bởi loại vũ khí nào. Các chuyên gia phương Tây nhận định nó có thể đã bị trúng mìn hoặc đạn pháo của Nga, mất khả năng di chuyển và bị kết liễu bởi máy bay không người lái (UAV) tự sát.

Binh sĩ Lữ đoàn 82 nói rằng những chiếc Challenger 2 đang đóng vai trò ổ hỏa lực di động, tận dụng hệ thống kính ngắm và điều khiển hỏa lực hiện đại để bắn phá cứ điểm Nga từ khoảng cách hơn 3 km.

Điều này cho phép kíp xe Challenger 2 của Ukraine nấp trong công sự và tấn công từ tuyến sau, tránh đụng độ trực tiếp với tên lửa dẫn đường và UAV tự sát đối phương.

"Nhưng khi lực lượng Ukraine tiến quân, các xe tăng Challenger 2 không còn lựa chọn nào ngoài rời vị trí ẩn nấp để cơ động đến trận địa mới. Lực lượng Nga đã phát hiện được nó trên đường di chuyển, nơi hoàn toàn không có biện pháp che chắn nào", Axe nhận định.

Hiện Bộ Quốc phòng Nga và lực lượng Ukraine chưa có tuyên bố chính thức nào về thông tin và hình ảnh Challenger 2 bị phá hủy.

Clip Challenger 2 bốc cháy trên chiến trường Ukraine

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thường xuyên chấm bài và soạn giáo án điện tử, mắt của cô Nguyễn Thị Mai Hương mờ, yếu và tăng độ.

Cách bảo vệ mắt hiệu quả

GD&TĐ - Khi nhắc đến bệnh nghề nghiệp của giáo viên, nhiều người thường nghĩ đến: Khàn giọng, mất tiếng, viêm thanh quản, giãn tĩnh mạch chân do đứng nhiều.