Mỗi lần mua đồ chơi cho con, chị Ngọc Bình (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) không quên dặn dò con: Đồ chơi đắt tiền lắm, con nhớ không được cho bạn nào mượn. Thế nên, khi bạn bè sang chơi, con trai chị thường giấu nhẹm đồ chơi của mình đi.
Thậm chí, thèm chơi, con còn đuổi bạn về. Dần dần hình thành thói quen, con không muốn chia sẻ đồ chơi của mình với bạn và chỉ muốn chơi một mình. Trong trường hợp này, cha mẹ chính là tác nhân tạo tính ích kỷ cho con.
Bên cạnh đó, nhiều đứa trẻ do quá được nuông chiều cũng hình thành sự ích kỷ. Chúng luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ, mọi yêu cầu, đòi hỏi của chúng luôn luôn được đáp ứng.
Từ đó hình thành thói quen xấu, chỉ biết nhận không biết cho; dửng dưng trước những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, khổ cực; khó chịu khi bạn bè có đồ chơi đẹp hơn, quần áo mới hơn và điểm số cao hơn. Chúng chỉ muốn mình là nhất và không ai được hơn mình...
Cha mẹ cần công bằng để con noi theo. Ảnh minh họa internet |
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc giáo dục con biết chia sẻ và không sống ích kỷ. Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ có thể dạy con bằng cách khuyến khích con biểu lộ sự quan tâm, thông cảm với người khác. Khuyến khích con tham gia các trò chơi tập thể để trẻ tìm thấy niềm vui bên bạn bè.
Trong việc dạy trẻ không sống ích kỷ, điều quan trọng đòi hỏi ở cha mẹ là sự công bằng. Cha mẹ không vì thiên vị con mà luôn chia cho con phần hơn, hãy coi con như mọi thành viên khác trong gia đình và chia đều mọi thứ. Như vậy, con sẽ quen với việc tôn trọng quyền lợi của người khác.
Cha mẹ cho con tham gia các hoạt động thiện nguyện để con có cái nhìn thông cảm và biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh kém may mắn. Ảnh minh họa internet. |
Cha mẹ cũng không nên chiều theo mọi yêu cầu của con. Trong việc phân xử cuộc “chiến tranh” giữa con và đứa trẻ khác, cha mẹ cần công bằng chứ không nên bắt ai nhường ai. Cha mẹ cũng cần chia đều việc nhà cho con để con thấy mình không được ưu tiên đặc biệt gì.
Việc làm gương cho con cũng rất quan trọng, giúp con học được đức tính biết chia sẻ, yêu thương người khác. Chẳng hạn, cha mẹ làm gương cho con khi sẵn sàng chia sẻ món đồ yêu thích của mình, hăng hái tham gia các công việc của cộng đồng như làm vệ sinh ngõ phố, cầu thang khu tập thể...
Đặc biệt, cha mẹ hãy rủ con tham gia các hoạt động thiện nguyện để con có cái nhìn thông cảm và biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh không may mắn.
Hãy tạo điều kiện để trẻ trải nghiệm cảm giác hạnh phúc khi trao và nhận, khi biết thông cảm và sẻ chia sẽ khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa thế nào.